GIÁ XĂNG DẦU TẠI VIỆT NAM TĂNG KHÁ MẠNH GÂY THÊM LO NGẠI LẠM PHÁT

@ 25 February 2011 07:24 AM
Tin Hà Nội - Như tin SB-TN đã loan vào sáng nay, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam rốt cuộc đã phải tăng giá xăng dầu. Vào lúc 10 giờ sáng giờ địa phương, Bộ Tài chính Việt Nam đã quyết định đồng loạt nâng giá các loại nhiên liệu từ xăng, dầu diesel, cho đến dầu hỏa, dầu mazut. Ðây là điều nằm trong dự đoán của giới quan sát, nhưng điểm tương đối bất ngờ là tỷ lệ tăng khá mạnh từ 18% đến 24% tùy theo loại nhiên liệu. Sự kiện mặt hàng thiết yếu này được tăng giá đã làm gia tăng mối lo ngại về nguy cơ lạm phát nghiêm trọng thêm. Theo quy định của bộ Tài chính, kể từ hôm nay giá xăng bán ra tăng 2900 đồng, lên đến 19,300 đồng mỗi lít, giá dầu hỏa tăng thêm 3100 đồng lên thành 18,200 đồng một lít, giá dầu cặn mazut cũng tăng thêm 2110 đồng, thành 14,800 đồng mỗi ký.

Mức tăng mạnh nhất là giá dầu diezel, tăng 3550 đồng lên đến 18,300 đồng mỗi lít. Theo so sánh của hãng tin Reuters, giá diezel tại Việt Nam như vậy đã vươn lên mức cao nhất tại châu Á. Sau khi nhà nước phá giá đồng tiền hồi đầu tháng, mọi người đều dự đoán là giá xăng dầu tại Việt Nam sẽ phải tăng theo. Lý do là vì đồng tiền Việt Nam bị giảm giá tất yếu làm cho chi phí nhập cảng nhiên liệu gia tăng, với hệ quả là người tiêu thụ sẽ phải trả tiền nhiều hơn. Thế nhưng do việc tăng giá nhiên liệu lại xảy ra trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối phó với một tỷ lệ lạm phát cao, đạt mức 12.17% trong tháng Giêng vừa qua, cộng thêm với quyết định của Nhà nước là sẽ tăng 15% giá điện vào tháng tới, tình hình này đã làm tăng thêm các mối lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng tốc, gây thêm khó khăn cho đời sống người dân.

Việc tăng giá xăng sẽ kéo theo việc tăng giá trong các lĩnh vực khác như giao thông vận tải chẳng hạn, điều đó sẽ làm trầm trọng thêm nạn lạm phát vốn đã là nỗi lo lắng của rất nhiều người. Từ tháng 8 năm 2010 đến nay, lạm phát tại Việt Nam mỗi tháng mỗi tăng, đạt 12.17% vào tháng Giêng, biến Việt Nam thành nước có lạm phát cao hơn rất nhiều so với các nước láng giềng. Ðể đối phó với tình trạng này và góp phần vào nỗ lực kiểm soát giá cả, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố sẽ cắt giảm 10% chi tiêu nhà nước thông qua nhiều biện pháp trong đó có việc đình chỉ các dự án không cần thiết.

Tuy nhiên các cố vấn kinh tế đều cho rằng công cuộc kiểm soát giá cả sẽ rất khó khăn, và việc cắt giảm 10% chi tiêu nhà nước sẽ không đủ vì số lượng các doanh nghiệp thuộc khu vực quốc doanh làm ăn không hiệu quả của Việt Nam quá lớn.(SBTN)

{nl}{nl}