BÃO GIÁ QUẬT VÀO MỌI GIA ÐÌNH VIỆT NAM

@ 28 February 2011 09:37 PM
Tin tổng hợp - Lạm phát tăng vật giá đã trở thành câu chuyện của mọi người mọi nhà, cơn bão giá tại Việt Nam đã đẩy lùi ngay cả những thông tin dồn dập về cách mạng hoa lài từ Trung Ðông đang mon men sang Châu Á. Báo chí trong nước trích lời Phó chủ tịch Quốc hội nói ngay cả vợ của ông cũng phải than phiền bây giờ cầm 100,000 đồng đi chợ chẳng mua được gì, và nói bài toán lạm phát giờ đây đã trở thành câu chuyện của mọi gia đình. Sau khi giá xăng tăng, giá điện tăng, thì dù nhà nước nói là tìm đủ mọi biện pháp để kềm giá, nhưng thực tế thì đương nhiên tất cả mọi thứ đều tăng giá. Dù đã tiên đoán trước nhưng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đại lý và cả người tiêu dùng không thể ngờ được mức tăng giá nhiều đến thế. mỗi lít xăng tăng giá gần 3000 đồng thành 19,300 đồng. Với mức tăng giá này ngành vận tải đường bộ sẽ phải nhanh chóng tăng giá cước, từ xe tải, xe đò, xe buýt cho tới taxi và ngay cả xe ôm.

Trong tuần qua Thủ tướng Cộng sản Việt Nam đã từ Hà Nội chủ tọa hội nghị với 63 địa phương về những giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát. Trong hội nghị, Bộ trưởng Tài chính biện giải cho quyết định tăng giá xăng dầu và điện trong bối cảnh lạm phát tăng cao vẫn là chưa đi theo giá thị trường thế giới mà chỉ từng bước thực hiện lộ trình. Theo nhân vật này nếu điều chỉnh theo đúng giá thị trường thì xăng phải tăng giá từ 34% đến 40% giá hiện hành. Riêng về điện, các cán bộ Hà Nội ước tính để áp dụng giá theo cơ chế thị trường thì giá điện sẽ phải tăng 62% thay vì 15%. Ngành điện bị lỗ 28,000 tỷ đồng trong năm ngoái và số lỗ này sẽ lên tới 57,000 tỷ đồng nếu tính đến hết năm nay.

Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thì chẳng làm được gì hơn ngoài những lời tuyên bố rỗng tuếch là cả nước phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế và duy trì được sản xuất và an sinh xã hội. Nhân vật này chỉ ra được lệnh là sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%, và hứa hẹn sẽ giúp đỡ mọi ngành cần thiết. Người ta ghi nhận người đứng đầu nhà nước Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên nói tới nguyên tắc điều hành minh bạch cụ thể. Một điểm đáng chú ý khuy chướng, để giảm thiểu tình trạng khan hiếm ngoại tệ Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh các Tập đoàn Kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước dứt khoát phải bán hết số ngoại tệ đang có cho Ngân hàng. Về người trồng lúa, cán bộ nhà nước thì nói chỉ bảo đảm lợi nhuận cho nông dân ở mức từ 5500d đến 6000 đồng một ký, và cho rằng với giá này thì nông dân cũng có lợi nhuận 30% so với giá thành sản xuất. Thế nhưng một nông dân đồng bằng sông Cửu Long về sự kiện giá lúa cao, giá cá tra cũng tăng thì người này biểu lộ thái độ bất bình và cho rằng cán bộ thì chỉ ngồi ở trên, thực tế dân bây giờ khổ lắm. Lúa bây giờ bán đâu có lời bao nhiêu so với giá phân lên quá trời. Ðối với nông dân tất cả mọi mặt hàng đều lên giá hết, như vậy với giá nhà nước đưa ra thì chẳng còn gì để ăn.

Một tờ báo viết không thấy Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi nhân dân tiết kiệm thắt lưng buộc bụng để tồn tại với lạm phát tăng vật giá. Có lẽ ông này đầy may mắn vì nhân dân của ông, đều đã tự thắt lưng buộc bụng với sức chịu đựng phi thường. Việt Nam là một quốc gia với những bối cảnh đầy mâu thuẫn, được đánh giá cao về bảo đảm an ninh lương thực, sớm vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng các chuyên gia thì lại nhíu mày vì nhà nước để chỉ số vật giá, lạm phát tăng gần gấp đôi tăng trưởng kinh tế là những dấu hiệu cho thấy những đe dọa cho nền kinh tế Việt Nam.(SBTN)

{nl}{nl}