TRUNG CỘNG ÐANG TÌM CÁCH CHIA RẼ ASIAN THÀNH HAI KHỐI

@ 5 March 2011 06:52 AM
Tin tổng hợp - Dù phương châm của mình là Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng, nhưng do ảnh hưởng của Trung Cộng ngày càng mạnh tại Ðông Nam Á, ASEAN hoàn toàn có thể bị phân đôi thành hai khối lục địa và hải đảo. Ðây chính là phân tích của sử gia Geoff Wade đăng trên trang mạng YaleGlobal của Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa của Ðại học Yale trong tuần qua. Bài viết thuật lại rằng vào năm ngoái Hiệp hội các nước Ðông Nam Á tổ chức kỷ niệm 43 năm ngày thành lập, nhưng lại để lộ nhiều vết nứt. Do sự phát triển thiếu cân xứng của Tiểu vùng sông Mekong được Trung Cộng thúc đẩy với sự giúp đỡ của Ngân hàng Phát triển châu Á, khu vực dọc theo biên giới với Trung Cộng đã biến thành một vùng riêng biệt, một xu hướng có thể vĩnh viễn chia cắt ASEAN. Trung Cộng đã xây bốn con đập trên vùng thượng nguồn của sông Mekong, và hiện đang đầu tư vào ba dự án đập thủy điện tại Lào và một tại Cam Bốt, và có kế hoạch làm thêm 12 con đập khác ở vùng hạ nguồn.

Hiệp định tự do thương mại Trung Cộng-ASEAN đã giúp Trung Cộng gia tăng mạnh mẽ trao đổi thương mại và đầu tư vào các quốc gia Ðông Nam Á. Một mạng lưới đường sắt hòa nhập, sẽ nối kết tất cả các nước thuộc Tiểu vùng Sông Meekoong GMS vào khoảng năm 2020, với Trung Cộng đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp kỹ năng và kinh phí, trong khi một hệ thống đập thủy điện, mạng lưới truyền tải điện và đường ống dẫn năng lượng cũng sẽ gắn các quốc gia lục địa Ðông Nam Á vào Trung Cộng. Quy mô quyền lợi mà Trung Cộng đang giành được trên hầu hết đầu vào của các ngành công nghiệp tại Việt Nam, được thể hiện rõ qua những ước tính chính thức, theo đó có khoảng 90% Hợp đồng Tổng thầu về tay các công ty Trung Cộng. Số lượng người Trung Cộng di chuyển qua các nước Ðông Nam Á đang gia tăng.

Tại Lào, một quốc gia 7 triệu dân, ước tính có đến 400.000 người Trung Cộng nhập cư bất hợp pháp. Trong lĩnh vực văn hóa, các quốc gia trong khu vực ghi nhận hiện tượng giáo dục bằng tiếng Hoa gia tăng, với Cam Bốt hiện tự nhận là nước có chương trình giảng dạy tiếng Trung tốt nhất Ðông Nam Á với hàng trăm giáo viên đến từ Trung Cộng. Các cường quốc trong khu vực cũng đã nhận thấy đà phát triển ồ ạt dọc theo biên giới Trung Cộng và sự can dự ngày càng tăng của nước này vào các quốc gia Ðông Nam Á, với hệ quả là chia rẽ ASEAN. Nhật Bản đã gặp riêng các quốc gia vùng lưu vực sông Mekong là Cam Bốt, Lào, Miến Ðiện, Thái Lan và Việt Nam, mà không mời Trung Cộng tham gia, để bảo đảm là sẽ trợ giúp các nước này. Nam Hàn cũng đã tuyên bố ý định tham gia phát triển vùng GMS, đặc biệt là trong việc chuyển đổi các hành lang vận tải thành hành lang kinh tế và giải quyết các vấn đề môi trường.

Sự kiện Mỹ gần đây gia nhập Hội nghị Thượng đỉnh Ðông Á một phần cũng nhằm mục đích chống lại điều được xem là quyền bá chủ của Trung Cộng ở khu vực lục địa Ðông Nam Á. Phản ứng gần đây nhất của ASEAN đối với mối đe dọa chia rẽ là một lời kêu gọi kết nối nhiều hơn giữa các thành viên. Với khoảng cách ngày càng tăng giữa các quốc gia lục địa và các nước hải đảo, khả năng của một Cộng đồng ASEAN ra đời vào năm 2015 ngày càng mong manh. Cùng với Trung Cộng, các nước Ðông Nam Á lục địa đang hình thành một khu vực Ðại Mekong, và các mối liên kết đang được phát triển sẽ lấn át những gì hiện có và đang được dự tính giữa các nước ASEAN.(SBTN)

{nl}{nl}