ÐẠI SỨ CỘNG SẢN VIỆT NAM GẶP TƯ LỆNH MỸ Ở THÁI BÌNH DƯƠNG

@ 18 March 2011 06:51 AM
Tin Hawaii - Thông tấn xã Việt Nam hôm qua loan tin Ðại sứ Cộng sản Việt Nam ở Hoa Thịnh Ðốn đã đến Hawaii gặp tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương để trao đổi mang tính chất xây dựng. Bản tin nói Lê Công Phụng là đại sứ sắp mãn nhiệm của Việt Nam, đã đến Honolulu, chuẩn bị cho chuyến xuất ngoại của một lãnh tụ Hà Nội mà người ta tin rằng là Nguyễn Tấn Dũng sẽ đến Hawaii để tham dự Hội Nghị Thượng Ðỉnh Diễn Ðàn Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương tức APEC dự trù sẽ diễn ra vào các ngày 7 đến 13 tháng 11 năm nay.

Dịp này Lê Công Phụng đã đến trụ sở Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương và gặp đô đốc tư lệnh Robert Willard bàn biện pháp để thực hiện mong muốn của cả Việt Nam và Mỹ trong việc tăng cường và duy trì hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực cũng như quan hệ quân sự giữa hai nước. Bản tin nói trong cuộc trao đổi, hai bên đã thống nhất về tầm quan trọng của việc duy trì lợi ích chung liên quan tới biển.

Hai bên thảo luận cách thức để cả Mỹ và Việt Nam cùng với các nước thành viên Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á và các thành viên tham dự Diễn Ðàn Khu Vực ASEAN cũng như các nước có biển khác và cộng đồng quốc tế đều có lợi ích quốc gia về tự do hàng hải trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế liên quan. Trong thông cáo báo chí viết hai bên cho rằng nay là thời điểm chín muồi để phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng rộng lớn hơn, kể cả việc hỗ trợ nhân đạo và phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, hoạt động gìn giữ hòa bình, an ninh biển, trao đổi gồm cả trao đổi giữa các học viện nghiên cứu quốc phòng, quân y cũng như các cuộc đối thoại cấp cao. Chuyến thăm viếng của Lê Công Phụng diễn ra một tuần lễ sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Cộng sản Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Cộng tập trận hải quân ở khu vực quần đảo Trường Sa, vùng biển đảo cả hai nước đang tranh chấp chủ quyền.

Giữa tháng 2 vừa qua Cộng sản Việt Nam cũng lên tiếng phản đối Trung Cộng tập trận hải quân ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo đã bị Trung Cộng chiếm đóng từ đầu năm 1974 đến nay. Trái với những lời phản đối suông của Việt Nam không có một tác dụng nào, Nhật Bản, Nam Hàn và Phi Luật Tân đều đưa tàu chiến, phi cơ đến ngăn chặn các hành động xâm phạm trái phép của tàu và phi cơ Trung Cộng. Nhiều người trong nước đã hết lời chỉ trích thái độ hèn nhát của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trước quan thày Bắc Kinh.(SBTN)  HOA KỲ TUYÊN BỐ MUỐN ÐỐI TÁC THẬT SỰ VỚI VIỆT NAM (hình 9-10) Tin Hoa Thịnh Ðốn - Hoa Kỳ tuyên bố muốn trở thành đối tác thật sự với Việt Nam cũng như muốn tăng cường mối quan hệ với kẻ cựu thù trong những năm sắp tới. Phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, đặc trách Ðông Á Châu là Michael Schiffer đã phát biểu trong buổi điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ khi cho rằng mối quan hệ nhiều mặt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam phát triển đều hòa nhưng thận trọng, ngoại trừ thương mại là lãnh vực tăng nhanh.

Ông Schiffer nhìn nhận trong cuộc điều trần rằng một mối quan hệ nảy nở nhanh chóng giữa hai nước có thể bị nhìn tiêu cực từ phía Trung Cộng. Ðiều này có thể dễ nhìn thấy khi các viên chức đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam gặp các đối tác Trung Cộng đều có những lời lẽ nồng ấm, cả quyết tình anh em với công thức 16 chữ vàng và 4 tốt dù hai nước vẫn tranh chấp chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng trên thực tế, theo giới quan sát thời sự, Việt Nam muốn Hoa Kỳ hiện diện thường trực ở khu vực Ðông Nam Á như lực lượng đối trọng để ngăn chặn chủ trương bá quyền bành trướng của Trung Cộng. Nhiều tướng lãnh Cộng sản Việt Nam từng lên tiếng khuyến cáo nhà cầm quyền Hà Nội hãy cảnh giác với Bắc triều. Vì khả năng quân sự quá yếu kém so với anh khổng lồ Trung Cộng, Hà Nội chỉ đưa ra các lời phản đối suông mỗi khi thấy Bắc Kinh có các hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo trên biển Ðông.

Theo ông Shiffer nói trong cuộc điều trần, Hoa Kỳ vẫn còn quan ngại đến thành tích đàn áp nhân quyền của nhà cầm quyền Hà Nội, đặc biệt là các vụ đàn áp các sắc tộc người thiểu số theo đạo Tin Lành. Không thấy Hà Nội lên tiếng bình luận về bản tin này, và báo chí trong nước cũng hoàn toàn không trích đăng.(SBTN)

{nl}{nl}