THẢM HỌA NHẬT ẢNH HƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM

@ 21 March 2011 08:57 PM
 
Tin tổng hợp - Thảm họa động đất, sóng thần và rỉ phóng xạ ở Nhật Bản không chỉ là nỗi đau của xứ Phù Tang, nhiều nền kinh tế trong đó có Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về ngoại thương với nước Nhật. Các chuyên gia phân tích Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ Tư của Việt Nam, năm 2010 các doanh nghiệp đã xuất sang Nhật hơn 7.7 tỉ đô-la hàng hóa chiếm tỷ lệ 10.7% tổng kim ngạch xuất cảng hơn 72 tỉ đô-la của cả nước Việt Nam. Một kinh tế gia tại Sài Gòn nhận định quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật bản có tỷ trọng rất lớn, bên cạnh trao đổi thương mại dòng vốn ODA do Nhật đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ khá lớn.

Tác động từ thảm họa ở Nhật Bản được đánh giá là trong ngắn hạn, ảnh hưởng trực tiếp thương mại xuất cảng của Việt Nam nhưng khi kinh tế Nhật tái thiết ổn định trở lại thì các đơn hàng sẽ tiếp tục, bởi vì doanh nghiệp Việt Nam và Nhật có truyền thống làm ăn hiểu biết lẫn nhau. Theo ông này thì nếu khủng hoảng ở Nhật kéo dài hơn 6 tháng thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở nên bối rối. Theo thống kê cho thấy dệt may đứng đầu danh mục 13 mặt hàng xuất cảng nhiều nhất sang thị trường Nhật Bản là một trong những bạn hàng lớn của sản phẩm may mặc Việt Nam. Phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan Sài Gòn nhận định, về dài hạn đơn hàng từ Nhật chắc chắn sẽ giảm. Thị trường Nhật bản chiếm 16 đến 18% của xuất cảng dệt may Việt Nam đối với thế giới, có những doanh nghiệp chỉ chuyên làm hàng Nhật thì họ sẽ bị ảnh hưởng nặng, vì chuyển sang làm hàng đi Mỹ hay Châu Âu thì cần thời gian làm quen với những tiêu chuẩn do Mỹ và các nước Châu Âu đặt ra.

Một trong những nỗi lo hiện nay là những lô hàng đã xuất rồi, xuất vào những vùng có vấn đề thì theo luật quốc tế kể cả bảo hiểm nếu thiệt hại do thiên tai thì không bồi thường. Trong trường hợp này thì đúng là khó cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên có những ngành xuất cảng khác của Việt Nam không dễ dàng trong việc chuyển hướng thị trường, thí dụ như thủy sản, nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ. Theo thống kê cho thấy trước khi có thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản, dự tính xuất cảng hàng hóa của Việt Nam sang Nhật năm 2011 sẽ tăng 18% từ mức 7.7 tỉ đô-la của năm 2010. Mọi dự báo giờ đây cần được tính toán lại. Về thủy sản, năm 2010 trong tổng kim ngạch xuất cảng thủy sản đến 5 tỷ mỹ kim, thì ba thị trường nhập cảng thủy sản Việt Nam nhiều nhất là Mỹ với 971 triệu đô-la, Nhật Bản 897 triệu đô-la thứ ba là Nam Hàn 386 triệu đô-la.

Danh mục hàng hóa Việt Nam xuất cảng nhiều nhất vào Nhật Bản được ghi nhận theo thứ tự: hàng dệt may, dây điện và cáp điện, than đá, máy móc thiết bị và phụ tùng, hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản phẩm cao su, sản phẩm chất dẻo, giấy và sản phẩm từ giấy, hàng thủy sản, sản phẩm từ sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sau hết là sản phẩm mây tre cói và thảm. Nhật Bản còn là một trong các thị trường quan trọng nhập cảng cao su của Việt Nam, mặt hàng thuộc nhóm có trị giá xuất cảng toàn ngành ở mức hàng tỷ đô la. Thảm họa Nhật Bản làm giảm giá cao su tự nhiên trên thế giới trong đó Việt Nam là nhà sản xuất lớn, chỉ tính riêng 3 ngày sau động đất sóng thần ở Nhật, cao su đã mất 28% giá trị và đang ở mức thấp nhất.

Ngoài ra ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng, hầu hết các công ty du lịch lữ hành hủy bỏ tour xem hoa anh đào ở Nhật Bản. Không những thế những tour từ Nhật đến Việt Nam cũng bị hoãn. Năm 2010 ngành du lịch Việt Nam tiếp đón 5 triệu khách quốc tế trong đó có một số lượng lớn từ Nhật Bản, chỉ thua sau Trung cộng và đứng trên Nam Hàn.(SBTN)

{nl}{nl}