RỪNG ÐA NHIM TAN HOANG VÌ THIẾC TẶC

@ 10 April 2011 08:43 AM
 
Tin Lâm Ðồng - Hôm qua tỉnh Lâm Ðồng bất ngờ truy quét 5 điểm khai thác, đào đãi thiếc trái phép trên địa bàn xã Ðạ Sar, phát giác rừng phòng hộ đầu nguồn Ða Nhim bị tàn phá nặng nề. Cách tuyến đường 723 hướng Ðà Lạt đến Khánh Hòa khoảng 10 cây số, đi bộ qua những cánh rừng phòng hộ Ða Nhim thuộc xã Ða Sar là tiểu khu 119, 142, 143. Ðây là những điểm nóng về khai thác thiếc trái phép ở huyện Lạc Dương. Tình trạng khai thác thiếc trái phép đã diễn ra ngang nhiên cả chục năm nay. Trong tháng 4, tỉnh Lâm Ðồng đã tổ chức truy quét 3 lần. Chỉ tính đợt truy quét ngày hôm qua tại tiểu khu 119, xã Ðạ Sar đoàn giải tỏa đã tiêu hủy 15 chòi tạm, 17 máy nổ, 5 giàn rung, 11 mô-tơ phát điện, 14 cối xay và xe rùa, trên 5000 thước dây điện và vòi nước.

Tại tiểu khu 142, hàng trăm gốc thông ngã xuống, địa đạo, hầm hố mọc lên chạy ngang dọc trong rừng sâu. Tất cả các địa đạo được xây dựng khá công phu, đi sâu vào bên trong hầm hai bên được ghép bằng những cây thông tròn và những tấm gỗ tạp khác. Những địa đạo này được bố trí gần suối, thuận lợi cho việc sử dụng nguồn nước để đào đãi sa khoáng. Ðối với những khu vực nằm trên núi cao, thiếc tặc đào giếng. Ðứng từ trên miệng giếng nhìn xuống sâu hun hút, cầm thanh gỗ tròn thả xuống giếng, rồi bước đi vài bước mới nghe thấy tiếng động từ dưới đất vang lên. Bên trên những miệng giếng hàng chục bao tải đựng thiếc được tập trung lại.

Theo những người dân sống gần khu vực khai thác thiếc, nhóm thiếc tặc có khi lên đến cả trăm người. Lợi dụng lúc chiều tối những người này tiến vào rừng sâu, với rìu, cưa máy, mâm đãi thiếc để đào đãi. Nếu thấy không an toàn họ lại nhanh chóng thoát ra ngoài ẩn một thời gian. Ðó là lý do tại sao vào ban đêm, những người đi rừng thường nghe tiếng máy nổ vang lên giữa đại ngàn. Ai cũng hiểu chúng hoạt động là dưới sự bao che của những cán bộ cao cấp. Từ tháng 8 năm ngoái đến nay, huyện Lạc Dương xác nhận đã xảy ra 84 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, làm thiệt hại hơn 21 mẫu rừng tự nhiên. Hình thức xâm hại rừng phổ biến là phá rừng trái phép 50 vụ, lấn chiếm rừng, khai thác lâm sản, vận chuyển lâm sản. Trong đó nóng nhất là tình trạng khai thác thiếc trái phép.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}