NỢ NƯỚC NGOÀI CAO ẢNH HƯỞNG XÓA ÐÓI GIẢM NGHÈO

@ 22 April 2011 08:26 AM
Tin Hà Nội - Sau nhiều năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định ở mức trung bình 7%, và lạm phát duy trì ở mức 1 con số, Việt Nam trong khoảng 2 năm trở lại đây đang phải đối mặt với những bất ổn về kinh tế do lạm phát leo thang và nhất là gánh nặng nợ quốc tế đang tăng. Lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá liên tục trong suốt hơn một năm qua đang làm cho người dân phải đau đầu tính toán từng đồng chi tiêu mỗi ngày. Vật giá tăng, đồng tiền mất giá là phần nổi của tảng băng mà những người dân có thể cảm nhận. Nhưng đứng về phương diện của cả nền kinh tế, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng nợ nước ngoài lớn và thâm hụt thương mại tăng cao. Những con số thống kê gần đây cho thấy hiện Việt Nam nợ nước ngoài khoảng 29 tỷ đô la và chiếm 40% GDP, trong khi đó thâm hụt thương mại năm 2010 vào khoảng 12 tỷ đô la và có xu hướng tăng vào năm nay. Ðiều này đã khiến cho các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc phải lo ngại.

Chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc là ông Cephas Lumina nói trong bối cảnh nợ nước ngoài tăng, và Việt Nam phải trả một khoản nợ hơn 1 tỷ đô la bao gồm cả tiền lời vào năm nay, việc đánh giá những ảnh hưởng của gánh nợ này lên việc bảo đảm thực hiện các quyền con người và mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam là hết sức quan trọng. Các chuyên gia cho rằng gánh nặng nợ tăng có thể khiến nhiều người bị tái nghèo, ảnh hưởng đến chuyện Việt Nam thực hiện cam kết thiên niên kỷ. Có thể một loạt những người đã vượt qua ngưỡng này, thì với tình hình biến động có thể sẽ bị thụt xuống, đang từ hết ngưỡng nghèo thì bị đói nghèo trở lại. Ðó là những lo ngại chính đáng của Liên Hiệp Quốc, và đó là những vấn đề nhức nhối của xã hội và nhà nước Cộng sản Việt Nam phải hết sức quan tâm. Việt Nam là nước được Ngân hàng thế giới đánh giá cao về các thành tựu xóa đói giảm nghèo trong các năm qua.

Năm 1993 Việt Nam có khoảng 58% dân số còn nghèo đói, nhưng đến năm 2010 chỉ có khoảng 10% dân số còn nghèo đói. Tuy nhiên trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8 năm ngoái, chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền và nghèo đói là bà Magdalena Sepulveda đã bày tỏ lo ngại rằng mặc dù có những tiến bộ, Việt Nam vẫn còn nhiều người sống dưới mức nghèo đói và không được hưởng lợi gì từ những phát triển kinh tế mà đất nước đã đạt được.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}