HỘI THẢO VỀ BIỂN ÐÔNG TỔ CHỨC TẠI HÀ NỘI

@ 28 April 2011 10:06 AM
Tin Hà Nội - Trong vài năm qua, Trung Cộng có tới 36 luận án tiến sĩ về biển Ðông, Việt Nam chưa có một luận án nào. Hai ngày qua khoảng 50 học giả, chuyên gia trong các lĩnh vực công pháp quốc tế, ngoại giao, lịch sử và quân sự đã gặp nhau tại hội thảo quốc gia lần thứ hai về biển Ðông, do Bộ Ngoại giao và Học viện Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội. Chủ đề của hội thảo lần này là Tranh chấp chủ quyền tại biển Ðông: Lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế. Kể từ hội thảo lần đầu tiên ngày 17 tháng 3 năm 2009, hai năm qua, tình hình trên biển Ðông tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong suốt thời gian này, Trung Cộng cũng tiếp tục tăng cường sức mạnh hải quân, xây dựng căn cứ trên phần đảo họ chiếm hữu, ra lệnh cấm đánh bắt cá. Theo Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu biển Ðông của Học viện Ngoại giao, các nước có liên quan trực tiếp tới tranh chấp đều thực hiện một số biện pháp chung như củng cố hải quân, tăng cường sự hiện diện trên các đảo, củng cố cơ sở lịch sử, pháp lý, vận động sự ủng hộ của quốc tế. Bản thân Việt Nam cũng đã nỗ lực quốc tế hóa vấn đề biển Ðông thông qua việc thúc đẩy sự tham gia của ASEAN, nộp báo cáo ranh giới thềm lục địa và tổ chức hai hội thảo quốc tế. Thế nhưng các lãnh tụ Cộng sản Việt Nam vẫn tỏ ra hèn nhát không dám đề cập trực tiếp đến vấn đề mỗi lần có những buổi gặp gỡ với các lãnh tụ Cộng sản Trung Hoa. Về cuộc hội thảo tại Hà Nội, Nguyên Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế đối ngoại Vũ Khoan đưa ra một số nhận xét có tính chất đánh giá khái quát tình hình biển Ðông hai năm qua, cho thấy Hà Nội đang muốn quốc tế hóa vấn đề cho dù Trung cộng không chấp nhận.

Thái độ của ASEAN cũng thay đổi, có sự phân hóa rõ nét thành hai khối quốc gia là quan tâm và ít quan tâm tới biển Ðông. Trong phần kết thúc buổi hội thảo, những người tham dự cũng khẳng định rằng những hoạt động của Việt Nam vẫn còn rất yếu, các bài viết vẫn đếm được trên bàn tay, lại không được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành, có uy tín của ngoại quốc. Còn các khía cạnh xã hội hóa, công khai hóa thì chưa cải thiện.

Gần 100% chuyên gia, học giả tham dự hội thảo đều yêu cầu được ẩn danh vì sợ bị ảnh hưởng bởi phe thân Trung cộng tại Việt Nam muốn trả thù. Theo giới nghiên cứu, hiện nay chỉ có gần 30 tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên biển Ðông từ đầu thế kỷ 18. Trong khi đó Trung cộng đã đưa ra hàng trăm tài liệu chứng minh về phía họ cho dù những tài liệu này đôi khi không đúng sự thật.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}