ÂU CHÂU NỖ LỰC NGĂN CHẬN CÁC ÐƯỜNG DÂY BUÔN NGƯỜI TỪ VIỆT NAM

@ 3 May 2011 07:48 PM
 
Tin Budapest - Trong hai ngày 18 và 19 tháng 4 vừa qua, một hội thảo quốc tế trong nỗ lực phối hợp giữa các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu để chống nạn buôn người và trồng cần sa trên diện rộng, đã diễn ra tại Budapest, thủ đô Hungary. Ðây là một sự kiện được đưa chính thức vào chương trình nghị sự của Hungary, trên cương vị Chủ tịch luân lưu Liên Hiệp Âu Châu trong 6 tháng đầu năm nay. Hội thảo kể trên đi kèm với một khóa huấn luyện, với sự tham dự của các điều tra viên phụ trách vấn đề tội phạm Châu Á đến từ các quốc gia Liên Âu. Vào năm 2009, nhiều quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã thỏa thuận có biện pháp chung để chống lại làn sóng nhập cư bất hợp pháp đến từ Việt Nam thông qua các nhóm tội phạm có tổ chức, với mục tiêu ngăn chặn sự lan tỏa của các băng đảng trồng cần sa, vốn đã xuất hiện rất tràn lan tại Âu châu.

Theo quan điểm của Cơ quan Cảnh sát Châu Âu Europol, những năm gần đây vấn đề di dân Việt Nam bất hợp pháp đã trở thành mối hiểm nguy lớn đối với toàn thể Châu Âu. Số liệu năm ngoái cho hay trong số 27 nước thành viên Âu châu, tại 11 nước có những nhóm người Việt trồng cần sa trong hệ thống trang trại ở mức đáng kể, mà đa số nhân viên đều là các di dân trái phép. Riêng tại Hungary, tính đến năm 2010 đã có hơn 50 khu trại như vậy bị phát giác bởi Cơ quan chống tội phạm ma túy trực thuộc Sở Cảnh sát Budapest và con số này cho đến nay ngày càng tăng. Europol hy vọng rằng với việc đẩy lùi tệ di dân Việt Nam bất hợp pháp, lượng cần sa sản xuất ở Châu Âu cũng sẽ thuyên giảm. Nỗ lực đó trong hồ sơ tội phạm Việt Nam nói trên, đã được thể hiện bằng sự hợp tác giữa Cảnh sát Quốc tế Interpol và cơ quan an ninh nhiều nước Châu Âu, trong khuôn khổ một dự án mang tên Tổ chức Tội phạm Di dân Có tổ chức của Việt Nam, có nhiệm vụ theo dõi sát sao những đường dây đưa người Việt Nam, liên quan tới một số quốc gia như Hungary, Tiệp Khắc, Ba Lan, Slovakia, Anh, Pháp và Ðức.

Ở Châu Âu, hiện tượng người Việt trồng cần sa trong các khu trại, khu nhà xuất hiện tràn lan đầu tiên ở Anh. Sau đó những kẻ được coi như chuyên gia trong nghề đã chuyển địa bàn hoạt động sang Tiệp Khắc là một quốc gia có cộng đồng Việt Nam rất đông đảo. Ða phần những kẻ làm việc tại các trại cần sa đều là dân nhập cư bất hợp pháp, làm việc để trả món nợ khi lên đường cho những băng đảng buôn người. Những năm gần đây, các chân rết đã được lan đi khắp nơi, trong đó có Hungary. Ở nưóc này những trại cần sa được phát giác lần đầu vào nửa sau của năm 2008. Những kỹ thuật và nguồn vốn để thiết lập các trại này được đánh giá là có xuất xứ từ Tiệp Khắc. Hiện tại, cần sa được trồng không chỉ trong các khu nhà vườn, mà ngay nhà tập thể, chung cư cũng đã là nơi hành nghề của các nhóm trồng cần sa. Kinh nghiệm của cảnh sát Châu Âu cho thấy không chỉ tận dụng sự bất lực của những người nhập cư trái phép để buộc họ phải làm việc cực nhọc như những nô lệ tại các khu trại cần sa, mà các băng đảng tội phạm có tổ chức gốc Việt còn gây nhiều hành vi phạm tội nghiêm trọng khác, như bắt cóc, tống tiền và giết người.

Các cơ quan cảnh sát Châu Âu đã phát giác ra phương thức hoạt động của một nhóm buôn người quy mô, có tổ chức. Theo đó, với những hình thức tinh vi, tận dụng những phương tiện hợp pháp và bất hợp pháp, người nhập cư được chuyển qua Liên bang Nga bằng đường bộ hoặc hàng không, rồi từ đó sang Châu Âu và nơi cuối thường là Vương quốc Anh. Thông thường họ đã dùng thị thực dành cho du khách, hoặc thương gia tìm hiểu thị trường, rồi sau khi hết hạn, họ không trở về Việt Nam mà tiếp tục cư trú bất hợp pháp, và đa số rơi vào các trại cần sa dưới sự điều hành của các nhóm tội phạm có tổ chức. Trong dự án VOIC, 114 nạn nhân đã bị phát giác, trong đó một số người đã được gửi trả về Việt Nam. Phó Giám đốc Cơ quan điều tra về tội phạm có tổ chức của Anh là ông Andre Baker, cho hay những người nhập cư bất hợp pháp đã phải trả số tiền lên tới 28,000 đôla để được đưa vào Châu Âu. Những ai không có thể trả đủ số tiền đó thường bị cưỡng bức lao động để trả nợ. Riêng tại Vương quốc Anh, ước tính hiện có 35,000 người Việt đang nhập cư bất hợp pháp.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}