VIỆT NAM BAN HÀNH DỰ THẢO NGHỊ ÐỊNH TÔN GIÁO

@ 21 May 2011 07:29 AM
{nl}Tin Hà Nội - Ban Tôn Giáo Chính Phủ của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam vừa đưa ra bản ôDự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22 và khẳng định rằng nhà nước Cộng sản Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân, không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Cơ quan này giải thích rằng dự thảo nghị định này nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, và rút ngắn các thời hạn giải quyết thủ tục trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Thế nhưng nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo tại Việt Nam, những người sẽ bị dự thảo nghị định này ảnh hưởng trực tiếp, lại có phản ứng hoàn toàn khác.

 
Từ Huế, Linh mục Phan Văn Lợi cho rằng dự thảo nghị định này là một hình thức trói buộc các tôn giáo ngày càng chặt chẽ hơn vì nhiều lý do. Linh mục Phan Văn Lợi nói dự thảo nghị định này không công nhận cho các tổ chức tôn giáo có quy chế pháp nhân, điều quan trọng để sinh hoạt, và có mục đích muốn tái thiết lập lại cơ chế xin-cho, ràng buộc các tôn giáo vào trong bàn tay của nhà nước, bắt họ phải nhận những gì nhà nước cho phép như một ân huệ, và phải đáp lại bằng sự phục tòng, cũng như không dám có ý kiến trước những gì sai trái của nhà cầm quyền.

Nghị định này tiếp tục làm cho các tôn giáo không được độc lập trong các sinh hoạt, bắt phải xin phép về mọi chuyện. Linh mục Phan Văn Lợi nêu ra một điều khoản trong đó ban Tôn Giáo nhà nước đòi hỏi các tổ chức tôn giáo, sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động, phải báo trước vào ngày 5 tháng 10 mỗi năm, về những sinh hoạt của tổ chức cho năm tới, điều khoản mà theo nhận định của ngài là để cho nhà nước có cơ hội tìm cách ngăn cản, khống chế các sinh hoạt tôn giáo.

Trong khi đó tại Saigon, Hồng Y Phạm Minh Mẫn là tổng giám mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn, đại diện cho các giám mục và linh mục, tu sĩ của tổng giáo phận, đã gửi cho Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, bản góp ý về dự thảo nghị định thay thế cho nghị định đã có từ năm 2005 về kiểm soát hoạt động tôn giáo trong nước. Một đoạn trong bản góp ý viết: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Nhưng thực tế ngay trong các điều khoản của Pháp Lệnh năm 2004 và Nghị định 22 đã có nhiều bất cập và bất bình đẳng đối với các tôn giáo và các chức sắc. Ðó là Nhà nước công nhận sự hiện diện, tồn tại của các tôn giáo nhưng không công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo và các chức sắc. Do đó chức sắc tôn giáo không được hưởng nhận những quyền công dân như các công dân khác và quyền đại diện cho tổ chức tôn giáo trước mặt pháp luật.

Về tài sản của các tổ chức tôn giáo, bản góp ý nhận xét pháp lệnh qui định tài sản hợp pháp thuộc các cơ sở tôn giáo được pháp luật bảo hộ; nhưng trong thực tế không có văn bản pháp qui nào trình bày rõ ràng thế nào là bảo hộ và quyền lợi về phía tôn giáo được bảo hộ như thế nào. Và từ đó dẫn tới tình trạng nhiều cơ sở và đất đai của các tôn giáo bị chiếm dụng bất công. Bản góp ý cho rằng nhà nước không thể nắm trong tay các quyền tự do của người dân và thi ân cho họ theo cảm tính hoặc ngẫu hứng của mình.

Hiện đang có nhiều vận động để đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo tức CPC tại Mỹ, và trong thời gian qua những vụ đàn áp tôn giáo vẫn xảy ra thường xuyên tại Việt Nam.(SBTN)