NGƯỜI LAO ÐỘNG VIỆT NAM TẠI MALAYSIA ÐANG CHỊU NHIỀU BẤT CÔNG

@ 27 May 2011 12:10 AM
 
Tin Kuala Lumpur - Từ nhiều năm nay có nhiều vụ ngược đãi, bóc lột hay lừa đảo đối với các lao động Việt Nam tại Mã Lai, đặc biệt là một số vụ buôn người, đã được các phương tiện truyền thông loan tải. Ðầu tháng 5 này, một hội nghị các tổ chức xã hội công dân của các nước thuộc khối ASEAN đã diễn ra tại Jakarta, trong đó có nội dung liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của những người lao động nhập cư.

Theo Tổ chức Liên minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu gọi tắt là CAMSA, Mã Lai vốn là nước tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam và hiện nay ước lượng có khoảng 100,000 công nhân Việt Nam. Có hai thành phần lao động: thứ nhất là những người lao động làm việc trong các công xưởng, và thứ hai là những người làm việc tại tư gia. Số lượng lao động ở tư gia có lẽ sẽ tăng lên rất nhiều trong thời gian tương lai trước mắt. Cũng theo nguồn tin này, hiện nay người lao động Việt Nam ở Mã Lai đang gặp rất nhiều khó khăn, vì luật lệ của Mã Lai đối với những người lao động ngoại quốc thực sự chưa được áp dụng đúng đắn, tuy rằng có luật nhưng những người lao động ấy không hề hiểu về luật và không biết quyền của mình được luật lệ hiện hành bảo vệ như thế nào. Thêm vào đó, luật đó có nhiều lỗ hổng, chẳng hạn như chủ sử dụng lao động có toàn quyền sa thải công nhân bất cứ lúc nào. Chỉ trong vòng 24 tiếng là công nhân sẽ bị trục xuất, vì ngay sau khi bị sa thải, công nhân mất quyền lao động và quyền hiện diện tại Mã Lai. Vì vậy, xem như họ trở thành một người bất hợp pháp. Trong hoàn cảnh như vậy, họ không thể nào thưa kiện được.

Lý do thứ hai là các quốc gia gởi người đi, đặc biệt là Việt Nam, đã không có biện pháp để bảo vệ, đặc biệt là tòa đại sứ Cộng sản Việt Nam tại Mã Lai, trong rất nhiều trường hợp lại đứng về phe chủ sử dụng lao động để trấn áp sự lên tiếng của những nạn nhân. Bên cạnh đó, trong các hợp đồng mà các công nhân Việt Nam phải ký vào văn bản tiếng Việt với các công ty xuất cảng lao động. Có rất nhiều điều khoản vi phạm vào lãnh vực nhân quyền căn bản. CAMSA cũng bày tỏ sự lo ngại là trong thời gian tới đây, tình trạng cưỡng bức người lao động tại Việt Nam sẽ tiếp tục xảy ra, vì phía Hà Nội cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một kế hoạch nào nhằm bảo vệ công nhân Việt Nam ở Mã Lai. Thêm vào đó, có rất nhiều công ty môi giới Việt Nam bị tố cáo vi phạm hợp đồng đã ký kết với công nhân; tuy nhiên cho đến nay, chưa hề có công ty nào trong số đó bị điều tra và kỷ luật.(SBTN)