NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN VIỆT NAM THÚ NHẬN ÐỦ KIỂU THAM NHŨNG KHOÁNG SẢN

@ 27 May 2011 12:11 AM
{nl}
 
Tin Hà Nội - Chính sách quản lý Nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản đã bộc lộ yếu kém, bất cập và ẩn chứa nhiều nguy cơ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Hôm qua tại Hà Nội đã diễn ra cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý, khai thác khoáng sản, là sự kiện định kỳ được tổ chức trước hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam. Hoạt động này do Thanh tra nhà nước, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng phối hợp với tòa Ðại sứ Thụy Ðiển tại Việt Nam tổ chức. Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại buổi đối thoại cho rằng những bất cập trong quản lý, khai thác khoáng sản chưa đáp ứng được yêu cầu về hiệu quả và tính bền vững, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và đời sống của dân cư địa phương. Phó Cục trưởng Cục Ðịa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết kết quả rà soát mới đây cho thấy nhiều quy hoạch trong lĩnh vực quản lý, khai thác khoáng sản đã không còn phù hợp với tình hình thực tế nhưng chưa được xem xét, điều chỉnh đồng bộ mà vẫn được bổ túc theo hình thức cá biệt khi có đề nghị của địa phương hoặc doanh nghiệp.

Trong khi đó, Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc bộ Thanh tra cho rằng quy định tất cả các trường hợp xin cấp phép hoạt động khoáng sản phải có ý kiến đồng ý của cấp tỉnh thì sở Tài nguyên Môi trường mới được tiếp nhận hồ sơ, đã tạo điều kiện hình thành cơ chế độc quyền, xin-cho, gây phiền hà cho doanh nghiệp; cơ quan cấp phép không tuân thủ chỉ đạo của cấp trên. Ðể được giấy phép thăm dò, có đơn vị khai khoáng phải có đủ 26 con dấu và mỗi khi đi xin, họ phải đối diện với nguy cơ tham nhũng.

Theo ông Staffan Herrstrom là Ðại sứ Thụy Ðiển tại Việt Nam, trong danh mục nước nghèo nợ cao của Ngân hàng Thế giới có 12 nước phụ thuộc hầu hết vào khoáng sản.

Hiện nay, 1.5 tỉ người sống ở những nước giàu tài nguyên nhưng chỉ kiếm được dưới 2 đô-la một ngày. Ðiều đó cho thấy những quốc gia giàu khoáng sản không hoàn toàn giúp cho đất nước đó ít nghèo hơn và có phúc lợi tốt cho người dân. Và hậu quả nhãn tiền là tỉ lệ thất thoát cao trong quá trình khai thác buộc Việt Nam phải nhập than vào năm 2012 để tiêu thụ trong nước. Theo thống kê đến tháng 4 năm nay, cả nước có hơn 121 giấy phép thăm dò, gần 4000 giấy phép khai thác khoáng sản do Trung ương cấp còn hiệu lực và đang thực hiện. Trong đó 82% là giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn; còn lại là giấy phép khai thác khoáng sản khác và tận thu.

Theo báo cáo kết quả khảo sát nguy cơ tham nhũng ẩn chứa trong một số hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản do Cục Chống tham nhũng và bộ Thanh tra thực hiện mới đây, đã chỉ ra 6 nguy cơ tham nhũng. Ðó là việc chia nhỏ để cấp phép, đến gần thông tin khó khăn, thời gian giải queýt hồ sơ dài, chi phí không chính thức cho việc giải quyết hồ sơ cao, khó khăn trong cấp phép và giám sát quá trình khai thác. Sáu nguy cơ đó dẫn tới không ít phiền toái cho doanh nghiệp và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tham nhũng ở các công đoạn. Dù đã liệt kê ra 6 nguy cơ về tham nhũng, nhưng nhà nước Cộng sản Việt Nam vẫn chưa đưa ra được bất cứ một biện pháp nào để ngăn chặn việc này.(SBTN)