VIỆT NAM CHƯA ÐỦ ÐIỀU KIỆN ÐỂ THU HÚT GIỚI ÐẦU TƯ MUỐN RỜI TRUNG CỘNG

@ 29 May 2011 03:04 PM
Tin Hà Nội - Với chi phí nhân công tại Trung Cộng càng ngày càng tăng cao, các nhà đầu tư nước ngoài, ngay từ giữa thập niên 2000, đã tính đến kế hoạch phân tán cơ sở kinh doanh, không tập trung ở Trung Cộng, mà chuyển công việc sản xuất qua các nước khác được cho là hấp dẫn hơn. Việt Nam thường được cho là điểm đến nhiều triển vọng trong chiến lược được mệnh danh là Trung Cộng cộng Một tức China plus one. Lược qua một số công trình nghiên cứu trong những năm gần đây, mọi người có thể ghi nhận ngay lập tức thái độ quan tâm của các tập đoàn quốc tế đối với Việt Nam trong kế hoạch chuyển hướng đầu tư đó. Một bài báo cho rằng Việt Nam cùng một số thị trường Á châu khác đang hấp dẫn vào lúc việc Made in China ngày càng đắt đỏ thêm.

Ngay từ năm 2008, ngân hàng Anh Quốc HSBC đã nghiên cứu kỹ về chiến lược này và kết luận rằng xu hướng đó đã lôi kéo giới đầu tư vào Việt Nam. Bản tin viết rằng Trung Cộng ngày càng giàu lên, dân số Trung Cộng ngày càng già đi, điều đó làm cho chi phí sản xuất tại Trung Cộng ngày càng đắt đỏ hơn. Tiền lương tại Trung Cộng đang tăng lên, giá cả các mặt hàng cũng vậyàXu hướng lạm phát đáng ngại đang nâng giá của tất cả mọi thứ, từ bát cơm cho đến tiền thuê nhà. Thêm vào đó Trung Cộng lại thống nhất hệ thống thuế lợi tức doanh nghiệp, đưa mức thấp mà các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng trước đây trong một số trường hợp từ 15% lên thành 25%. Một số ưu đãi thuế cũng đã biến mất, làm cho các nước khác ở châu Á trở thành hấp dẫn hơn đối với đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, đã xuất hiện một luồng dư luận băn khoăn tự hỏi là Việt Nam có đủ điều kiện để thu hút giới đầu tư quốc tế muốn rời thị trường Trung Cộng hay không.

Lạm phát đang tăng nhanh trở lại tại Việt Nam, uy tín quốc tế của Việt Nam phần nào bị sứt mẻ do vụ Vinashin, tình trạng đình công đòi tăng lương tại các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam cũng càng lúc càng nhiều. Vấn đề lương công nhân tại Việt Nam thấp, đội ngũ lao động trẻ chỉ là một lợi thế rất tương đối, còn trong lãnh vực hạ tầng cơ sở, môi trường sản xuất, khuôn khổ luật lệ, Việt Nam chưa thể cạnh tranh được với Trung Cộng. Ngay cả trong trường hợp các tập đoàn lớn muốn có một cơ sở sản xuất khác ngoài Trung Cộng, họ còn có thể chọn một số nước châu Á khác như Ấn Ðộ, Thái Lan, hay Nam Dương có những điều kiện tốt hơn Việt Nam.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}