PHÓNG SỰ ÐẶC BIỆT TỪ VIỆT NAM: VIỆT NAM CÓ ÐẾN 80% THỰC PHẨM BỊ NHIỄM BẨN

@ 9 June 2011 07:37 PM
Hôm nay trong phóng sự đặc biệt từ trong nước, thông tín viên SB-TN gởi ra bản tin về tình trạng có đến 80% thực phẩm của Việt Nam bị nhiễm bẩn, mời quý vị cùng theo dõi trong phóng sự ngắn sau đây (video insert)

Câu chuyện các đoàn thanh tra phát giác và phạt các cửa hàng, nơi sản xuất thức ăn bị nhiễm bẩn không an toàn giờ đã trở thành chuyện cơm bữa ở Việt Nam. Mới đây tại Sài Gòn, giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật cũng mới lên tiếng báo động về việc 80% số thực phẩm có nguy cơ mất an toàn. Theo số liệu thống kê và kết quả nghiên cứu mới nhất của Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật, thành phố Sài Gòn thì hiện nay trên toàn thành phố chỉ mới đáp ứng được 20% nhu cầu cung ứng thực phẩm cho người dân và các cơ sở doanh nghiệp và chế biến. 80% khối lượng còn lại, thành phố phải nhập từ các địa phương khác cũng như từ nước ngoài, nên nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan hữu trách. Ðiều đó có nghĩa là thành phố không kiểm soát được hàng trăm tấn rau quả, thịt heo, bò, gà vịt, thủy sản cung cấp cho giới tiêu thụ mỗi ngày.

Báo cáo của ngành y tế cho thấy, vào năm 2010, toàn thành phố Sài Gòn đã xảy ra hàng chục vụ ngộ độc tập thể, hơn 700 người được nhập viện khẩn cấp vì dùng thực phẩm mất vệ sinh. Những trường hợp bị ngộ độc lẻ tẻ vẫn thường xuyên xảy ra, mà không ai rõ chính xác là bao nhiêu. Mặt khác trong các loại thức ăn nuôi gia súc, gia cầm, lái buôn pha trộn nhiều hóa chất giúp tăng trọng khiến người tiêu thụ bị ảnh hưởng và nhiễm độc theo kiểu dây chuyền. Về phía người tiêu dùng thực phẩm hàng ngày, cô Hòa là một công nhân có lợi tức kém, biết rõ là có chuyện không bảo đảm vệ sinh an toàn, nhưng món nào rẻ, ăn cho khỏi đói thì cứ phải mua ăn để sống, lời của người công nhân này nói như sau: Ðúng ra là đời sống của người ta cũng cực lắm, thí dụ như rau muống trồng ở trên mấy con sông, ruộng sình lầy, rác, dơ bẩn, có quay lên TV và biết như vậy, nhưng mà đời sống khó khăn quá, nếu vô siêu thị mua thì một bó rau mười mấy ngàn, dân lao động nghèo đâu có tiền, mua bó rau muống bên ngoài chỉ hai, ba ngàn thôi.

Dù người ta biết là dơ, vẫn phải ăn, chứ nếu ăn một bó rau 11 ngàn thì rất ít, không đủ cho con người ta ăn, ở ngoài mua 2 bó có sáu ngàn, nếu mua hai bó hai mươi mấy ngàn thì người ta không có tiền mua những thứ khác. Vô tiệm thì phải ăn sạch hơn, nhưng vì không tiền nên phải ăn cơm hàng, cháo chợ bên ngoài thì vừa túi tiền. Vô tiệm ăn tô phở 50 ngàn, ở ngoài ăn nửa tiền, mười mấy, hai chục ngàn, như vậy cả gia đình mới ăn được buổi sáng, nếu vô tiệm chỉ có một người ăn thôi. Báo đài có hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng điều đó chỉ có thể áp dụng cho người có tiền, còn dân nghèo thì đành chịu, cô Hòa, người công nhân được hỏi, cho biết điều mà dân lao động phải đối mặt hàng ngày là những người buôn thúng bán bưng, đâu có tiền vô siêu thị, tuy họ biết thức ăn nhiễm bẩn nhưng mà vì cuộc sống, người ta phải đâm liều luôn. Ðể giải quyết vấn đề thực phẩm bị nhiễm bẩn, không còn an toàn đối với người dân, thật sự là nhà cầm quyền vẫn chưa tìm thấy một giải pháp nào hiệu quả hơn việc kiểm tra, phạt hoặc đóng cửa các nơi kinh doanh.

Trong khi đó hàng ngày, vô số các đường nhập cảng thức ăn như vậy vẫn từ Trung Cộng, Cam Bốt tràn vào Việt Nam mà không ai có thể kiểm soát nổi được.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}