PHI LUẬT TÂN DỠ BỎ MỘT SỐ CỘT CHỦ QUYỀN Ở BIỂN ÐÔNG

@ 16 June 2011 05:55 AM
 
Tin Manila - Các giới chức quân sự ở Phi Luật Tân cho biết hải quân của họ đã dỡ bỏ một số cột chủ quyền trên những đảo san hô và bãi đá ngầm ở Biển Ðông mà Phi Luật Tân và Trung Cộng đều tuyên bố có chủ quyền. Các giới chức Phi Luật Tân hôm nay nói những cột chủ quyền đó được tháo dỡ hồi tháng 5, không bao lâu sau khi chính phủ ở Manila phản đối sự kiện là Trung Cộng đã bốc dỡ vật liệu xây dựng và dựng cột chủ quyền trong những khu vực mà Phi Luật Tân cho là thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của mình. Thiếu tá Neil Estralla, phát ngôn viên quân đội Phi Luật Tân, cho biết một cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định những cột đó từ đâu mà ra. Ông nói hồi gần đây hải quân đã gia tăng số tàu tuần tiểu và tăng cường hoạt động canh gác trong hải phận cực tây của Phi Luật Tân. Ông Estrella nói nhờ những hoạt động tuần tra trên biển đó mà họ có thể tìm thấy các cột chủ quyền. Vì vậy họ đã nhổ bỏ các cột đó. Ông Estrella cho hay hải quân nước ông đã tăng cường tuần tra để xác minh những báo cáo của ngư dân là họ trông thấy những chiếc tàu của nước ngoài trong hải phận mà cả Phi Luật Tân và Trung Cộng đều tuyên bố có chủ quyền.

Trong những tháng gần đây, những vụ xích mích đã leo thang đáng kể, đặc biệt là giữa Trung Cộng với Việt Nam và giữa Trung Cộng với Phi Luật Tân. Phi Luật Tân cho biết trong những tuần qua họ đã đối đầu với Trung Cộng trong vài vụ việc ở Biển Ðông, mà họ gọi là biển Tây Phi Luật Tân. Một trong những tố cáo mạnh mẽ nhất là hồi tháng 3 hai chiếc tàu tuần tiểu của Trung Cộng đã đe dọa một chiếc tàu thăm dò ở hải phận bên trong khu vực đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân. Các giới chức Phi Luật Tân đã yêu cầu Trung Cộng tuân hành Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 liên quan tới vấn đề đòi chủ quyền. Tuy nhiên Trung Cộng nói họ có chủ quyền ở biển Nam Trung hoa từ nhiều thế kỷ nay. Giới hữu trách Phi Luật Tân cho biết họ dự trù nộp đơn phản đối chính thức lên Liên hiệp quốc về vấn đề này, trong khi Trung Cộng cho biết họ muốn trực tiếp giải quyết vấn đề với từng nước riêng trong vụ tranh chấp lãnh thổ này.(SBTN){nl}{nl}{nl}