TRÍ THỨC VIỆT NAM KIẾN NGHỊ YÊU CẦU BỘ NGOẠI GIAO CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ QUAN HỆ VỚI TRUNG CỘNG

@ 6 July 2011 11:15 AM
Tin Hà Nội - Nhiều trí thức, lão thành cách mạng Việt Nam đã ký tên vào bản kiến nghị gởi lên Bộ Ngoại giao, yêu cầu cung cấp các thông tin về quan hệ với Trung Cộng trên hồ sơ Biển Ðông. Kiến nghị đã được luật sư Trần Vũ Hải chuyển đến Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua, bày tỏ những lo ngại về cuộc gặp ngày 25 tháng 6 của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn với các ông Trương Chí Quân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Cộng, và ông Ðới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Cộng. Bản tin tiếng Anh sau đó của Tân Hoa Xã đề ngày 28 tháng 6 về cuộc gặp gỡ này đã nói cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Cộng và Việt Nam, đồng thời nhắc đến công hàm của Phạm Văn Ðồng năm 1958 gởi Thủ tướng Trung cộng Chu Ân Lai tán đồng tuyên bố về lãnh hải của Trung Cộng. Các nhân sĩ ký tên trong bản kiến nghị đã yêu cầu làm rõ ba điểm. Trước hết là xác định các thông tin do Tân Hoa Xã đã đưa như trên có chính xác hay không, nếu không thì đòi hỏi phía Trung Cộng phải cải chính. Kiến nghị tiếp theo là yêu cầu cho biết quan điểm về công hàm nói trên của Phạm Văn Ðồng. Cuối cùng là đòi hỏi được thông tin về các thỏa thuận đã đạt được nếu có giữa Hồ Xuân Sơn và phía Trung Cộng. Trong số những người ký tên có Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, các giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Hoàng Tụy, Chu Hảo, tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, các nhà văn Nguyên Ngọc, Trần Nhương, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Trả lời báo chí hải ngoại, Lê Hiếu Ðằng là nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Sài Gòn là một trong những người ký tên vào bản kiến nghị, đã cho biết trong tuyên cáo mà cho đến nay đã có hơn một ngàn hai trăm người ký, họ rất ngạc nhiên khi thấy chuyến đi của Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn và sau đó là việc làm hoàn toàn khác với lời tuyên bố đó. Vì vậy họ nghĩ rằng chuyến đi đó và nhất là công hàm của Thủ tướng Cộng sản Việt NamPhạm Văn Ðồng năm 1958 cần phải được cho nhân dân biết.

Như vậy người ta mới hiểu vì sao Trung Cộng hiện nay lại cứ nói những điều đó, và để xem thử về mặt pháp lý thì cái đó có giá trị đến mức nào. Bởi vì thực tế thì hồi đó Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa tức là của chính phủ Sài Gòn, thì công hàm của Phạm Văn Ðồng chẳng có giá trị gì cả. Còn về chuyến đi của ông Hồ Xuân Sơn, tại sao trong lúc Việt Nam đang cố gắng để quốc tế hóa để đa phương hóa vấn đề Biển Ðông, mà gần nhất là các cuộc hội thảo tại Mỹ, rồi tại một số nước người ta cũng hoan nghênh, ủng hộ chủ trương này của Việt Nam, thì bây giờ trong buổi làm việc giữa ông Hồ Xuân Sơn với Ðới Bỉnh Quốc của Trung Cộng thì lại nói là song phương, và nói là nước thứ ba không được can thiệp vào tình hình Biển Ðông để làm xấu đi quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Cộng.

Do đó với tư cách những công dân Việt Nam, những người này thấy bị thương tổn. Ngôn ngữ rồi nội dung như vậy làm cho quốc tế người ta thấy rằng Việt Nam tại sao từ chỗ đa phương hóa, quốc tế hóa, bây giờ lại đi đêm với Trung Cộng. Như vậy có ảnh hưởng hết sức xấu trong lãnh vực ngoại giao, sau này người ta sẽ không tin cậy vào Việt Nam nữa.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}