CÔNG TY CONOCO-PHILLIPS MUỐN RÚT KHỎI VIỆT NAM

@ 8 July 2011 08:10 PM
 
Tin Hà Nội - Trong cuộc họp báo ngày hôm nay tại Hà Nội, tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đưa ra quan điểm chính thức về việc thăm dò, khai thác dầu khí ở biển Ðông sau vụ tàu Bình Minh 02 và tàu Viking 2 bị cắt cáp. Theo nhân vật này thì trong thời gian này Petro Vietnam vẫn đang thực hiện các hoạt động thăm dò dầu khí tại thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhân vật này nói việc thăm dò này là theo đúng luật quốc tế chứ không phải tự Việt Nam tính ra, và khẳng định hiện PVN không có bất cứ sự thay đổi kế hoạch nào dù sau sự kiện tàu Bình Minh 02 lại tiếp tục xảy ra vụ tàu Viking 2 bị tàu hải giám Trung Cộng cắt cáp sau khi đang thăm dò dầu khí sâu trong phạm vi 200 hải lý thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước quốc tế về Luật Biển 1982.

Hai vụ này đã dẫn đến các cuộc biểu tình chống Trung Cộng trong những ngày vừa qua. Hà Nội nói các hoạt động thăm dò tìm kiếm dầu khí không giảm nhưng bên cạnh tin này lại có tin đại công ty dầu khí của Mỹ là Conoco-Phillips loan báo muốn bán lại cổ phần đang nắm giữ tại Việt Nam.

Conoco-Phillips có cổ phần tại 3 mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi Việt Nam. Trị giá cổ phần của Conoco Phillips ở Việt Nam khoảng $1.5 tỉ mỹ kim, Conoco-phillips có 23% cổ phần trong một chuỗi 5 mỏ ở lô 15-1 khu bồn trũng Cửu Long, 36% ở mỏ Rạng Ðông thuộc lô 15-2, bồn trũng Cửu Long, và 16.3% của đường dẫn ga từ mỏ khí đốt Nam Côn Sơn. Người ta không biết đích xác lý do công ty rút chân ra có phải từ tình hình bất ổn ở khu vực trong áp lực mạnh mẽ của Trung Cộng, hay từ lý do Conoco-Phillips muốn bán bớt tài sản tổng cộng từ $5 đến $10 tỉ mỹ kim để có tiền mua lại một số cổ phần và đầu tư phát triển. Hồi năm 2009, hãng dầu Anh quốc BP đã phải bỏ chạy khỏi các lô 5.2 và 5.3 thuộc khu bồn trũng Tư Chính-Vũng Mây vùng Ðông Nam Vũng Tàu vì dính vào đường Lưỡi Bò và bị áp lực của Trung Cộng.

Báo chí trong nước thì nói Petro Vietnam tính toán mua lại cổ phầnọ của Conoco-Phillips nhưng hãng tin Bloomberg thì nói trong số các người muốn mua có thể có cả Trung Cộng và Ấn Ðộ. Tuy nhiên vấn đề là nhà cầm quyền Hà Nội có chấp thuận cho các công ty đó mua lại hay không.(SBTN)