PHÓNG SỰ ÐẶC BIỆT TỪ VIỆT NAM: PHÂN HÓA GIÀU NGHÈO GAY GẮT TẠI VIỆT NAM

@ 8 July 2011 08:14 PM
Hôm nay trong tiết mục phóng sự đặc biệt từ trong nước, thông tín viên SB-TN gửi ra bản tin về tình trạng phân hóa giàu nghèo càng lúc càng gia tăng, mời quý vị cùng theo dõi trong phóng sự sau đây (video insert)…

Tin trong nước cho biết số xe hơi hạng sang bán ra ở Việt Nam tiếp tục gia tăng, tuy nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và đa số dân chúng đang chật vật ứng phó với tỉ lệ lạm phát thuộc hạng cao nhất thế giới. Theo tường thuật của hãng thông tấn Pháp AFP, xe Audi kiểu A6, được triển lãm tại Vietnam Auto Expo hồi tháng trước có giá bán gần 142,000 đô la, tương đương với 182 năm lương của một người lao động trung bình ở Việt Nam. Loại xe này được đặt mua đến mức đáng ngạc nhiên. Những loại xe như Mercedes-Benz, Lexus, Audi và các loại xe đắt tiền khác đang ngày càng có mặt đông hơn trên các đường phố chật hẹp ở Hà Nội. Ông Laurent Genet, tổng giám đốc Công ty Automotive Asia là nhà nhập cảng chính thức của Audi ở Việt Nam, cho biết số bán của công ty ông tăng gấp đôi mỗi năm trong những năm vừa qa và ông nghĩ rằng tình hình năm nay cũng như vậy.

Trong khi đó Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Việt Nam cho biết số xe hơi và xe SUV bán ra trong 4 tháng đầu năm tăng gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Xã hội Việt Nam đang bộc lộ nhiều khía cạnh phân hóa xã hội đến mức khắc nghiệt. Ngay vào lúc bản tin này được đưa ra, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Cộng sản Việt Nam đã phải tổ chức hội nghị lấy ý kiến về phương án điều chỉnh lương tối thiểu trước lộ trình. Lý do việc khẩn cấp ép các doanh nghiệp phải tăng lương tối thiểu vì hiện nay tình hình lạm phát và suy thoái kinh tế của Việt Nam đang đẩy đời sống nhân Việt Nam xuống mức tệ hại nhất, có thể dẫn đến bạo loạn bất cứ lúc nào.

Theo đề tăng lương được Bộ này đề nghị, mức lương tối thiểu sẽ được nâng lên, nhưng dù là nâng cũng không có mức lương nào được hơn 100 Mỹ kim một tháng cho mỗi người. Ông Ngô Chí Hùng, Phó ban quản lý Khu công nghiệp chế xuất Hà Nội cho biết 6 tháng đầu năm 2011, tại các khu công nghiệp Hà Nội xảy ra 34 cuộc đình công đa số là để đòi tăng lương. 257 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hầu như chỉ chấp hành đúng khung bậc lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Phần lớn họ bám vào mức lương tối thiểu để thực hiện và cho rằng mình đã thực hiện đúng pháp luật, ngoài ra không hề có một khoản trợ cấp nào. Ông Hùng cho biết hầu hết công nhân khu công nghiệp phải làm thêm, không có công nhân nào làm 8 tiếng một ngày vì không có tiền làm thêm giờ, công nhân đói. Cùng quan điểm trên, ông Bùi Hồng Mai Phó ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Ninh cũng cho rằng 6 tháng đầu năm Bắc Ninh có 14 cuộc đình công, nội dung chỉ đòi tăng lương. Ông Mai cho rằng lương tối thiểu cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt vừa bảo đảm được đời sống công nhân, lại ngăn ngừa được thực trạng tranh chấp lao động giữa các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Việc tăng lương dù có vẻ là một giải pháp lạc quan, nhưng sẽ lại là một gánh nặng lớn đối với các doanh nghiệp đang gượng cầm cự vì tình trạng lạm phát và suy thoái kinh tế nặng nề ở Việt Nam.(SBTN)

{nl}{nl}