PHÓNG SỰ ÐẶC BIỆT TỪ VIỆT NAM: NGƯỜI LAO ÐỘNG NHẬP CƯ NGÀY CÀNG CÙNG CỰC Ở CÁC THÀNH PHỐ LỚN CỦA VIỆT NAM

@ 19 August 2011 03:38 PM
Hôm nay trong tiết mục phóng sự đặc biệt từ Việt Nam, thông tín viên SB-TN từ trong nước gởi ra bản tin về tình trạng người lao động nhập cư ngày càng cùng cực ở các thành phố lớn của Việt Nam, mời quý vị cùng theo dõi trong bản tin sau đây (video insert).

Do đời sống nông thôn bế tắc, người dân phải bỏ ruộng vườn để lên thành phố kiếm sống. Và từ đó nhiều nan đề xảy ra hết đau lòng cho số phận những con người như vậy. Rời quê, nhiều người lao động chỉ mong có được một công việc để kiếm sống nơi thành phố, nhưng ở miền đất mới, nhiều cái bẫy đã giăng sẵn để chờ họ. Những lời quảng cáo bóng bẩy của các trung tâm môi giới việc làm, chiêu thức dụ dỗ tinh vi của các cò lao động đã khiến người quê lên thành phố thêm lao đao khốn khổ. Ðã vậy cần việc làm, thiếu hiểu biết nên nhiều lao động từ các tỉnh lên thành phố tìm việc phải sống dở, chết dở khi dính vào những đường dây môi giới. Một số lao động chịu không nổi phải bỏ giấy tờ tùy thân để thoát thân, hoặc kêu cứu người nhà đến giải thoát. Một số thì bỏ điện thoại di động cho chủ để lấy lại giấy tờ. Còn phần đông chấp nhận làm những công việc nặng nhọc, trong điều kiện khắc nghiệt mong có ngày đủ tiền trả nợ để lấy lại giấy tờ tùy thân.

Một trong những trường hợp thương tâm, gần đây bị báo chí trong nước phanh phui là chuyện của cô K quê ở Bà Rịa Vũng Tàu. Chân ướt chân ráo lên thành phố tìm việc mưu sinh, cô được một người xe ôm tại Bến xe Miền Ðông chở đến trung tâm giới thiệu việc làm tại Quận 11. Nhận được việc phụ bán quán cà phê cho một quán nước gần vòng xoay Phú Lâm tại quận 6 Saigon. Trước khi nhận việc, cô được trung tâm và chủ quán rót mật vào tai khi nói công việc dễ dàng chỉ cần bưng bê, pha cà phê, châm trà cho khách, lương và tiền thưởng cao. Thế nhưng mới qua một ngày, K phát giác quán này là cà phê ôm, khách đòi hỏi nhiều thứ. Cô khiếu nại với chủ quán, thì bị chủ quán đe dọa và đòi nộp lại 500 ngàn. Không còn đường nào khác, cô phải gọi về gia đình cầu cứu. Gia đình đem tiền tới đóng, cô mới lấy lại được căn cước để thoát ra ngoài.

Một nữ công nhân khác cũng cho biết một câu chuyện khác. Ðược nhận vào làm, nói cái gì cũng dễ nhưng mỗi buổi sáng, cô phải dậy trước 4 giờ để làm việc tới tối mới xong. Cửa nhà luôn bị chủ khóa lại để cho các lao động khỏi bỏ trốn, ăn uống thì kham khổ. Người lao động còn phải làm tất cả mọi việc trong nhà kể cả giặt đồ, quét nhà. Mỗi lần chủ không hài lòng thì chửi rủa một cách thậm tệ. Làm được một tuần, cả 3 tưởng đã đủ tiền trả nợ để lấy căn cước lại nên xin nghỉ. Nhưng không, chủ bảo chỉ mới hết thời gian thử việc nên không tính lương. Nếu muốn lấy lại giấy tờ thì phải làm thêm 1 tuần nữa hoặc trả 900 ngàn đồng tiền môi giới. Không còn đường nào khác, cả 3 chấp nhận bỏ lại hai chiếc điện thoại để thoát thân. Cô này tâm sự biết bị bóc lột như thế này thà ở nhà mần ruộng với cha mẹ còn sướng hơn. Lần này làm kiếm đủ tiền về xe, và trả tiền dịch vụ lấy căn cước ra, cô sẽ về nhà ở luôn.

Những câu chuyện về người nhà quê khăn gói lên tỉnh mưu sinh ngày một nhiều, và ngày nghe càng thêm tàn nhẫn. Từ những vụ lường gạt nhỏ cho đến mất mạng, người làm việc nhập cư không bao giờ được bảo hiểm vể sức khỏe hay hợp đồng lao động đàng hoàng. Nhiều nơi làm việc sự ô nhiễm và độc hại hủy hoại đời sống của họ từng ngày nhưng cũng không biết làm sao mà đòi công bằng, Gia cấp lao động, là giai cấp được ngợi ca trong chế độ CS, nay giờ thì giai cấp đó đang chết mòn trong sự cùng cực, còn giai cấp lãnh đạo mỗi ngày lại giàu có và xa lạ hơn.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}