PHÓNG SỰ ÐẶC BIỆT TỪ VIỆT NAM: BỆNH TAY CHÂN MIỆNG TRỞ THÀNH ÐẠI DỊCH

@ 28 August 2011 05:04 PM
Hôm nay trong tiết mục phóng sự đặc biệt từ trong nước, thông tín viên SB-TN gửi ra bản tin về bệnh tay chân miệng đang trở thành đại dịch, mời quý vị cùng theo dõi bản tin (video insert)

Dù Nhà nước Cộng sản Việt Nam ra sức chối bỏ sự bất lực trong việc bảo vệ sức khỏe của xã hội trước tình trạng bệnh tay chân miệng lan rộng khắp nước, nhưng người dân và giới y tế thì vẫn truyền tau nhau, báo rằng loại bệnh này đang trở thành một đại dịch, đe dọa từ trẻ em đến người lớn. Dịch tay chân miệng đang bùng phát trong cả nước, nguy cơ gây tử vong cao, chủ yếu ở các tỉnh miền Nam. Tuy nhiên bệnh không chỉ lây lan ở trẻ em mà đã bắt đầu lây sang người lớn. Tại các tỉnh thành: Bến Tre, Ðà Nẵng, Quảng Ngãi hiện cũng đã xuất hiện 4 trường hợp người lớn có triệu chứng bệnh tay chân miệng. Cả 4 trường hợp này đều từng tiếp xúc và chăm sóc con mắc chứng tay chân miệng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp là Phó Trưởng khoa Cấp cứu điều trị tích cực Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương cho biết từ trước đến nay bệnh tay chân miệng thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên trên thực tế có nhiều ca bệnh ở cả lứa tuổi trưởng thành như bố mẹ, ông bà, người đã từng tiếp xúc với trẻ. Theo bác sĩ Cấp, bệnh tay chân miệng do virus gây nên, có thể lây lan qua tiếp xúc.

Như vậy khi người lớn tiếp xúc với virus gây bệnh thì cũng có thể mắc bệnh. Tuy nhiên virus này ít gây nên triệu chứng sốt, nổi bóng nước ở người lớn và mức độ nguy hiểm cũng không cao như ở trẻ. Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xuất hiện tình trạng trẻ trên 5 tuổi và phụ nữ có thai nhiễm bệnh này. Bác sĩ Nguyễn Thị Gắn, Phó trưởng Khoa Nhi đồng Bệnh viện Ða khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang cho biết hơn 50% số ca bệnh tay, chân, miệng đang điều trị nơi đây đều trên 5 tuổi. Trong đó có nhiều thanh niên cũng mắc bệnh này.

Bộ Y tế Cộng sản Việt Nam cho biết tính đến thời điểm này, Việt Nam có thêm 2 ca tử vong do bệnh tay chân miệng ở tỉnh Bạc Liêu và Kon Tum, nâng số người bị tử vong là hơn 80 người. Ngành y tế, ngành giáo dục các địa phương đang ra sức hướng dẫn các trường học trên địa bàn công tác phòng chống bệnh tay chân miệng. Trong số 52 tỉnh thành có ca mắc tay chân miệng với tổng cộng hơn 35.000 ca, Sài Gòn vẫn đứng đầu về số ca mắc với gần 8.000 ca, trung bình mỗi tuần có 300 đến 320 ca mắc mới. Từ ngày 5/9 tới, các cơ quan phòng dịch của Sài Gòn sẽ đồng loạt thực hiện việc vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần tại các trường mầm non, nhà trẻ, mẫu giáo đóng trên địa bàn thành phố, bảo đảm 100% trường mầm non có vòi nước rửa và khăn sạch cho các cháu bé. Ông Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Sài Gòn, lo lắng giáo viên các trường mầm non, nhóm giữ trẻ tư nhân chưa có đầy đủ kiến thức phòng chống bệnh. Nguyên nhân là các điều kiện vệ sinh ở các lớp mầm non tư nhân còn thấp - ông Siêu lo lắng. Thực tế cho thấy, một số nhà vệ sinh trường học vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, hơn 73% các trường học được điều tra có nhà vệ sinh nhưng chỉ có 12% nhà tiêu hợp vệ sinh. Tại tỉnh Thái Nguyên, số trường học bảo đảm tiêu chuẩn kiên cố hoá trường học chỉ chiếm khoảng 60% và còn nhiều trường học ở các xã miền núi, hệ thống nhà vệ sinh vẫn chưa được bảo đảm. Ðiều này không những làm ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ. Theo các chuyên gia, nhà vệ sinh trường học đúng chuẩn phải có đủ nước sạch, giấy đúng tiêu chuẩn có thể phân hủy trong nước, có xà phòng nước rửa tay, diệt khuẩn.

Ngoài ra, các nhà trường phải cắt cử hoặc thuê người chùi rửa nhà vệ sinh thường xuyên bằng các chất tẩy rửa chuyên dụng có thể diệt khuẩn để bảo đảm an toàn và yêu cầu dội nước sau mỗi lần đi vệ sinh.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}