MỘT ÐÁNH GIÁ MỚI VỀ NHÂN VĂN-GIAI PHẨM

@ 3 September 2011 09:29 PM
 
LONDON.-Nhân Văn - Giai Phẩm thường được xem là phong trào đòi tự do dân chủ mạnh mẽ và có ảnh hưởng lớn nhất trong giới trí thức sống dưới sự cầm quyền của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Bị dập tắt vào cuối thập niên 1950, phong trào này đến hôm nay vẫn tiếp tục được nghiên cứu và nhiều nhân vật có vai trò lớn trong giai đoạn đó vẫn để lại cảm hứng và ảnh hưởng cho văn nghệ sĩ người Việt trong ngoài nước. Tuy vậy, một nghiên cứu công bố gần đây của chuyên gia nổi tiếng về lịch sử Việt Nam, Peter Zinoman, cho rằng danh tiếng của Nhân Văn - Giai Phẩm như một lực lượng đối kháng mạnh mẽ đã bị "thổi phồng". Tác giả, một người rất quen thuộc với giới nghiên cứu ở Việt Nam, nhận định thời gian qua đã có thêm nhiều nghiên cứu mới "thành công khi thể hiện một hình ảnh đáng tin về Nhân Văn và Giai Phẩm như một phong trào mạnh của sự bất đồng quan điểm chính trị chống lại đảng-nhà nước". Nhưng sử gia này cho rằng các học giả đã không phân tích sâu sắc nội dung các bài viết đã đăng của Nhân Văn-Giai Phẩm, mà chỉ có xu hướng tập trung vào những tuyên bố chống đối kịch tính nhất. Lấy ví dụ, sử gia Peter Zinoman, đang là Phó Giáo sư khoa Lịch sử của Ðại Học Berkeley, Hoa Kỳ, đề cập bài viết Bài học Ba lan và Hung-ga-ri của nhà thơ Lê Ðạt, in ở Nhân văn số 5, ngay sau khi xảy ra các biến cố rung chuyển hai nước Ðông Âu.

Theo đúng những gì người ta trông đợi từ một phong trào đối kháng, bài viết trên bị chính quyền ở Hà Nội phê phán là "bào chữa cho bọn phản cách mạng". Nhưng tiến sĩ Zinoman lưu ý người đọc rằng trong phần kết luận, Lê Ðạt cho rằng phong trào đối lập ở hai nước Ðông Âu bị "bọn đế quốc" kích động và lại còn tán thành với việc dùng bạo lực dập tắt sự nổi dậy ở Hungary. Ví dụ này phải chăng cho thấy sự hạn chế trong nghị trình của Nhân Văn Giai Phẩm. Ngoài ra, phong trào khi ấy không thể liên kết với công nhân, sinh viên và cộng đồng tôn giáo, và dường như người dân cũng không bày tỏ ủng hộ giới văn nghệ sĩ. Bài nghiên cứu của tiến sĩ người Mỹ này muốn bác lại việc xem Nhân Văn-Giai Phẩm là phong trào "bất đồng chính kiến". Theo ông, khi so sánh với sự trỗi dậy của các phong trào cải cách trong thế giới cộng sản thập niên 1950, thì Nhân Văn-Giai Phẩm là "nỗ lực tương đối hạn chỉ để cứu chủ nghĩa Cộng sản Việt Nam bằng cách chuyển hóa nó từ bên trong". Tiểu luận dài 40 trang của tác giả, đăng trên Journal of Cold War Studies số Mùa đông 2011, là nghiên cứu mới nhất bằng tiếng Anh về Nhân Văn Giai Phẩm .

Sự diễn giải mà tác giả gọi là "xét lại" với Nhân Văn Giai Phẩm hẳn sẽ nhận trả lời khác nhau của giới trí thức người Việt trong ngoài nước, trong bối cảnh vấn đề trí thức và dân chủ đang được bàn đến nhiều thời gian gần đây. Tiến sĩ Peter Zinoman nói nghiên cứu của ông không nhằm "phủ nhận sự dũng cảm của các lãnh đạo phong trào hay bi kịch của họ dưới bàn tay tàn nhẫn của đảng - nhà nước Cộng Sản". Ông muốn bài viết tìm hiểu lại mục tiêu của Nhân Văn Giai Phẩm và đánh giá điềm tĩnh hơn về tiềm năng cũng như hạn chế của phong trào trong vai trò lực lượng chính trị.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}