CHIẾN THUẬT PHÁ RỐI CỦA BẮC KINH TẠI VÙNG QUẦN ÐẢO HOÀNG SA

@ 3 September 2011 10:02 PM
HÀ NỘI.- Những nhà quan sát ở Hà Nội hôm nay đưa ra nhận định rằng Bắc Kinh có vẻ như đang thực hiện một chiến thuật mà họ gọi là phá rối ở hải phận đông. Hãn thông tấn AFP vừa đưa ra một bản tường trình nói rằng chuyến đi của ông Ðới Bỉnh Quốc sang Hà Nội vào ngày 5 tháng 9 chỉ là một phương cách phủ dụ ngoại giao, trong khi Bắc Kinh có hành động đưa tầu ngư chính tới vùng quần đảo Hoàng Sa, nơi có tranh chấp về chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Cộng. Ðộng thái này có thể làm cho quan hệ song phương căng thẳng thêm.

Ðược biết, Website của cơ quan ngư chính tỉnh Quảng Ðông đăng thông báo của bộ Nông nghiệp Trung Quốc, theo đó, một tàu ngư chính mang số hiệu 306 có trọng tải 400 tấn đã rời cảng ở phía nam thành phố Quảng Châu để tới vùng quần đảo Hoàng Sa. Ðại diện của cơ quan ngư chính tỉnh Quảng Ðông nói việc điều động tàu ngư chính tới Hoàng Sa là nhằm "tăng cường các nỗ lực thực thi pháp luật tại các vùng đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, bảo vệ các hoạt động đánh bắt cá, bảo đảm an toàn cho ngư dân, bảo vệ chủ quyền trên biển của Trung Quốc và các lợi ích thủy hải sản ». Việc đưa tầu ngư chính trở lại vùng quần đảo Hoàng Sa là một hành động mạnh mẽ để hậu thuẫn cho quyết định dứt khoát vấn đề đảo Hoàng Sa không được đưa vào nghị trình cuộc họp giữa Thứ Trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh và nhân vật số 2 tại Bộ Quốc Phòng Trung Cộng tướng Mã Hiểu Thiên.

Như thế có nghĩa là trong chuyến gặp gỡ giữa ông Ðới Bỉnh Quốc và các viên chức lãnh đạo Việt Nam, vấn đề Hoàng Sa cũng sẽ dứt khoát không được đề cập tới. Trung Cộng đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, vào tháng Giêng năm 1974, lúc đó do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quản lý. Bắc Kinh còn đưa ra yêu sách về chủ quyền trên một vùng rộng lớn, chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Ðông, trong đó có vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đó là những nơi được coi là có nguồn dự trữ quan trọng về dầu khí và nguồn thủy hải sản phong phú. Nhận định về việc điều tàu ngư chính tới Hoàng Sa, ngày hôm nay, Tân Hoa Xã nói rằng "Ðiều này cho thấy là Trung Quốc đã thực sự thiết lập khả năng thực thi pháp luật tại các khu vực đánh bắt cá ở trong và xung quanh hải phận quần đảo Hoàng Sa".(SBTN)

{nl}{nl}{nl}