PHÓNG SỰ ÐẶC BIỆT TỪ VIỆT NAM: LAO ÐỘNG TRUNG CỘNG TRÀN NGẬP VIỆT NAM, CƯỚP VIỆC VÀ GÂY RỐI LOẠN XÃ HỘI

@ 17 September 2011 07:19 AM
Hôm nay trong tiết mục Phóng sự đặc biệt từ trong nước, thông tín viên SB-TN từ Việt Nam gửi ra bản tin về tình trạng lao động Trung cộng đang tràn ngập và cướp việc của người Việt Nam, mời quý vị cùng theo dõi sau đây (video insert)

Báo chí trong nước cũng như dân chúng đang hết sức hoảng hốt trước tình trạng lao động Trung Cộng tràn sang Việt Nam mỗi lúc một nhiều, cướp việc, lương cao hơn, được nhà nước Cộng sản Việt Nam ưu tiên và lại gây nhiễu loạn xã hội. Báo Sài Gòn Tiếp Thị có bản tin nhan đề Cạnh tranh bất bình đẳng ngay trên sân nhà, cho biết một thực trạng đang phổ biến tại nhiều công trường do đối tác Trung Cộng làm chủ thầu thi công tại Việt Nam, đó là lao động Việt Nam phải cạnh tranh việc làm với lao động Trung Cộng trên chính sân nhà của mình. Ðiều này đã được chính chủ đầu tư của Việt Nam chia sẻ. Tiền công của lao động Việt Nam rẻ hơn lao động Trung Cộng. Trường hợp cụ thể được nêu là ở dự án Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, nơi bắt đầu xây từ tháng 11 năm 2005.

Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng là dự án lớn do nhà thầu Trung Cộng và Nhật Bản trúng thầu thực hiện cung ứng, thi công và lắp đặt toàn bộ máy móc. Dự án được tiến hành chính thức từ tháng 11 năm 2005 với hai hạng mục: nhà máy nhiệt điện 1 và nhà máy nhiệt điện 2. Trong đó các nhà thầu Trung Cộng chiếm tỷ lệ áp đảo gồm bốn đơn vị thầu cấp 1 là Tập đoàn điện khí Ðông Phương là tổng thầu công trình; công ty Hồ Bắc; ngoài ra còn có nhiều nhà thầu phụ thứ cấp như Thanh Sơn, Quảng Tây, Quế Lâm, Giang Tô.

Theo một lãnh đạo của nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 đã vận hành, với quy mô bốn tổ máy có công suất 300 MegaWatt một tổ máy, để hoàn thành đúng chương trình, số lượng công nhân có mặt trên công trường phải luôn bảo đảm ở con số 4000 lao động. Ðó là điều kiện tối thiểu và cần thiết để thi công một công trình lớn như nhà máy nhiệt điện Hải Phòng. Có những thời điểm có tới trên 3000 lao động Trung Cộng có mặt tại Thủy Nguyên. Do lao động của Trung Cộng áp đảo về lực lượng, nên lao động của Việt Nam bị cạnh tranh việc làm. Ông Nguyễn Văn Ngà là một lao động địa phương làm việc tại công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 2 cho biết để có một công việc tại công trường là một điều khó khăn, ngoài việc phải cạnh tranh, còn có nhiều góc khuất khác. Ông này là một nông dân sống tại Thủy Nguyên.

Ngoài công việc đồng áng, ông đi phụ hồ, thợ nề, làm hàn xì, bốc vác. Thời điểm xây dựng nhà máy nhiệt điện 1, ông Ngà làm công nhân tại công trường với mức lương dưới 100,000 đồng một ngày công. Ông cho biết lao động phổ thông địa phương làm việc trong công trường nhận mức lương thấp hơn nhiều so với lao động người Trung Hoa. Ðơn cử, với một thợ hàn người Việt Nam cùng làm chung với lao động Trung Cộng, mức lương nhận được cao nhất khoảng 150 đến 180,000 đồng một ngày công. Trong khi đó mức lương cũng công việc như trên của lao động Trung Cộng thường gấp từ hai đến ba lần.

Tại mỏ bô xít Lâm Ðồng, lao động phổ thông của Việt Nam được trả 80.000 đồng một ngày, còn lao động phổ thông Trung Cộng là 150,000 đồng một ngày. Cụ thể có những việc làm trả lương cho thợ Trung Cộng gấp 10 lần thợ Việt Nam. Nguồn tin này cho biết ngày công của lao động Việt Nam làm ở vị trí nấu ăn cho lao động Trung Cộng, mức lương của họ nhận được khoảng hai triệu đồng một tháng; công việc bảo vệ tại khu chung cư của công nhân Trung Cộng tại My Sơn xã Ngũ Lão, Thủy Nguyên nhận mức lương 1.5 triệu đồng một tháng, không có phụ cấp. Một bảo vệ Việt Nam tại khu chung cư My Sơn cho biết mới đây, bên Trung Cộng có đưa sang một bảo vệ người Trung Cộng, mức lương của họ tính ra tiền Việt khoảng 10 triệu đồng một tháng, cao gấp gần mười lần so với tiền lương của bảo vệ người Việt Nam.

Hiện tại chưa có một thống kê cụ thể về số lao động phổ thông Trung Cộng tại Việt Nam, vì hầu như họ không có giấy phép. Phỏng đoán khoảng 35.000 lao động tập trung tại một số tỉnh như Hải Phòng, Lâm Ðồng, Ninh Bìnhà tham ra các công ty khai thác khoáng sản. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã miễn visa cho khách du lịch Trung Cộng. Hầu hết các công nhân Trung Cộng sang làm việc ở Việt Nam đều dùng visa du lịch. Lợi dụng kẽ hở này người Trung Hoa sang Việt Nam ngày càng đông. Cán bộ địa phương không dám mạnh tay vì e ngại ảnh hưởng tới quan hệ với Trung Cộng. Các trang web phản ảnh vấn đề này rất khó vào xem, làm nhân dân khó khăn trong việc cập nhật thông tin. Vấn đề lao động trái phép của Trung Cộng tại Việt Nam thật đáng lo ngại trong giai đoạn hiện nay.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}