PHÓNG SỰ ÐẶC BIỆT TỪ VIỆT NAM: BỎ TIỀN TỈ ÐỂ TUYÊN TRUYỀN BỎ MẶC TRẺ EM BƠI QUA SÔNG ÐI HỌC

@ 27 September 2011 02:35 AM
 
Hôm nay trong tiết mục phóng sự đặc biệt từ trong nước, thông tín viên SB-TN gửi ra bản tin một video về trẻ em phải bơi qua sông để đi học đã làm cho người dân khắp nơi bất mãn,... (video insert)

Ở thượng nguồn sông Gianh thuộc xã Trọng Hóa, mỗi ngày có hàng chục học sinh phải bơi qua sông để đến trường. Khát vọng của các em là mong có được một cây cầu treo trong khi các tập đoàn kinh tế quốc doanh tiếp tục làm ăn thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng một năm. Sáng sớm khi sương mù còn giăng khắp bản làng, hàng chục học sinh ở xã miền núi Trọng Hóa huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vội cởi quần áo ngoài cho vào túi nylon, mặc quần cộc bơi qua dòng Khe Rào để tới trường học.

Nằm cách trung tâm xã Trọng Hóa chừng 7 cây số, bản Ông Tú có 20 gia đình người dân với 106 nhân khẩu, trong đó có 14 em đang học tiểu học. Bản Ka-Óoc gần đó cũng có hơn chục em học tại trường Tiểu học Trọng Hóa. Do nằm bên kia sông Khe Rào thượng nguồn sông Gianh, hai bản trở nên biệt lập với thế giới bên ngoài. Ngày nào cũng vậy, học sinh bản Ông Tú và Ka-Óoc phải thức dậy thật sớm vượt quãng đường đồi dốc xuống sông Khe Rào. Như một thói quen, các em cho cặp sách, quần áo vào vào túi nylon chuẩn bị từ trước rồi cùng bơi qua sông. Nhiều em không mang theo túi nylon thì bơi một tay, tay còn lại giơ cao cặp sách lên đầu cho khỏi ướt.

Vào mùa nước lũ, các em phải nghỉ học chừng một tháng vì nước sông Khe Rào chảy xiết, không thể bơi qua được, theo lời em Hồ Danh là học sinh lớp 4A trường tiểu học địa phương. Việc bơi qua đoạn sông rộng chừng 20 thước với học sinh nam chỉ mất vài phút, nhưng với các em nữ là thử thách. Hồ Thị Thoi, học sinh lớp 8 trường Trọng Hóa vẫn nhớ như in ngày tập bơi để đi học. Ông Hồ Nhung 79 tuổi, trưởng bản Ông Tú cho biết tình trạng học sinh đi học phải bơi qua sông diễn ra từ mùa đông năm 2010.

Trước đây, xã cấp thuyền cho bản nhưng đến mùa lũ do bảo quản không tốt nên thuyền bị cuốn trôi. Sau đó học sinh ở bản muốn đi học thì phải biết bơi, không kể lớn hay nhỏ. Bà con ai cũng muốn có được một cây cầu để cho tụi nhỏ đi học, người lớn đi làm mà mong hoài chưa được.

Trong khi đó tin cho biết ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam vừa quyết định bổ túc 330 tỷ đồng cho dự án xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng lớn nhất nước, nâng tổng vốn lên gấp 5 lần so với kinh phí phê duyệt ban đầu. Những chữ mẹ Việt Nam anh hùng thường dùng để tuyên truyền đối với những phụ nữ có con đi bộ đội trước đây để khuyến khích các gia đình thúc đẩy các thanh niên phải hy sinh tính mạng cho chế độ Cộng sản. Ðược biết tượng đài về mẹ Việt Nam anh hùng lớn nhất nước đã được Nhà nước Cộng sản Việt Nam đưa vào danh mục công trình văn hóa cấp Quốc gia. Tượng đài tạc bằng đá hoa cương, lấy nguyên mẫu từ bà Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam.

Rất dễ hiểu đang là một công trình tuyên truyền rất lớn nhưng vấp phải sự tức giận và bất mãn của dân chúng. Chẳng hạn như Ông Trần Ánh, cán bộ hưu trí ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, cho rằng tỉnh nên dồn sức quan tâm chăm sóc những bà mẹ còn sống neo đơn lúc tuổi già, nên xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam ngay trong lòng người chứ không nhất thiết chi ra số tiền quá lớn như vậy, trong khi tỉnh Quảng Nam còn là địa phương nghèo khó. Quả là những hình ảnh trớ trêu cho những ai muốn tìm hiểu về cuộc sống dưới sự cầm quyền của ngụy quyền Cộng sản Việt Nam.(SBTN)