KINH TẾ VIỆT NAM TỆ NHẤT 20 NĂM: NỢ HƠN 100% TỔNG SẢN LƯỢNG

@ 5 October 2011 06:11 AM
Tin Hà Nội - Kinh tế Việt Nam đang tới mức lo ngại nhất trong vòng 20 năm qua, đặc biệt là nợ nước ngoài và nợ do nhà nước bảo lãnh đã vượt hơn 100% tổng sản lượng quốc dân GDP. Trong khi đó báo chí trong nước ghi lời của một Bộ Trưởng cho biết đã có gần 50.000 doanh nghiệp giải thể. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh nói rằng có 48,704 doanh nghiệp giải thể trong 9 tháng đầu năm 2011. Họ Bùi còn nói rằng nhìn thẳng vào sự thật thì tình hình kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2015 chứa đựng nhiều khó khăn, bất trắc. Nhân vật này nhận định xét về tất cả các tiêu chuẩn kinh tế như lạm phát, bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ nước ngoài và nợ công, tỷ giá đồng tiền Việt Nam cũng như sự giảm sút niềm tin của người dân, nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đều đang ở mức trầm trọng. Ðáng chú ý là sức khỏe của hệ thống ngân hàng bộc lộ nhiều vấn đề, tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Mức tín nhiệm của Việt Nam bị các công ty nước ngoài hạ thấp đến mức B trừ, tức là mức thấp nhất trước mức C.

Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam bị giảm 6 bậc trong năm 2011, xuống vị trí 65 trên 142 nền kinh tế. Tích lũy từ nội bộ kinh tế liên tục giảm sút, để duy trì mức đầu tư cao, Việt Nam đã tăng vay mượn nước ngoài, không chỉ qua nguồn ODA mà còn cả qua các phương tiện bán trái phiếu chính phủ trên thị trường tài chính quốc tế và bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay mượn thương mại với lãi suất cao.

Số nợ của khu vực doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bất động sản cũng tăng cao rồi và nợ nước ngoài lên đến 42% GDP, cao nhất từ 1998 đến nay. Các thống kê cho thấy nếu tính thêm nợ của các doanh nghiệp nhà nước bảo lãnh và phải trả nợ thay khi doanh nghiệp chưa trả được, như trường hợp xi măng Ðồng Bành vừa qua, thì tổng số nợ đã vượt quá 100% GDP.

Mặt khác Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh công bố các thông tin về 9 tháng đầu 2011, trong đó có hơn 5800 doanh nghiệp tuyên bố giải thể, 11,421 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động và 31.477 doanh nghiệp đã dừng nộp thuế nhưng chưa tuyên bố phá sản. Số lượng doanh nghiệp giải thể của 9 tháng đầu năm nay đã tăng 22% so với cả năm ngoái do những tác động bất lợi từ nền kinh tế. Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong nước hiện nay là lãi suất cao và khó tiêu thụ sản phẩm. Tài liệu này được cập nhật tại 63 tỉnh, thành trong cả nước đến hết tháng 9.

Trong khi đó một bản tin khác cho biết nhà nước cũng cạn vốn đầu tư, khi so với nhu cầu. Nhu cầu vốn đầu tư từ trái phiếu chính phủ lên tới 500,000 tỉ đồng trong khi khả năng đáp ứng chỉ là 225,000 tỉ đồng. Nhiều dự án đầu tư sẽ phải cắt giảm, giãn do thiếu vốn. Ðó là một trong những nội dung tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2011, phương hướng năm 2012 và kế hoạch phát triển 2011-2015 diễn ra ngày hôm qua tại Việt Nam.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}