DIỄN BIẾN MỚI TRONG QUAN HỆ VIỆT NAM-TRUNG QUỐC VÀ ASEAN

@ 11 October 2011 06:37 PM
TỔNG HỢP.-Ngày 11 tháng 10, Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu chuyến công du Trung Quốc. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh nhà cầm quyền Trung cộng cà VC đang cố gắng làm dịu tình hình sau khi quan hệ Việt - Trung trải qua nhiều căng thẳng trên vấn đề Biển Ðông. Trong bài tham luận tại Hội nghị khoa học quốc tế về các vấn đề pháp lý và chính sách tại Biển Ðông, tổ chức tại Ðài Loan trong hai ngày 7 và 8 tháng 10 vừa qua, giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc Ðại học New South Wales đã phân tích những diễn biến chính trị và quân sự quan trọng liên quan đến Biển Ðông, đặc biệt là trong mối tương quan giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines và khối ASEAN.

Ðài phát thanh quốc tế từ nước Pháp đã có một bài tổng kết những ý kiến của giáo sư Carl Thayer về vấn đề Biển Ðông rất chi tiết và cho thấy vị giáo sư này ủng hộ cách đi những nước cờ với Trung Quốc mà Hà Nội đang chủ trương. Nhận xét chung của giáo sư Thayer là một loạt những hành động hung hăng của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2011, nổi bật là ba vụ nhắm vào các tàu thăm dò dầu khí ở hải phận Việt Nam đã khiến cho tình hình khu vực căng thẳng hẳn lên và tạo ra các phản ứng cứng rắn từ phia Việt Nam, mà giáo sư Thayer cho rằng Việt Nam đã phô trương quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tuy nhiên, từ tháng Bẩy đến nay, theo giáo sư Carl Thayer tình hình căng thẳng trên Biển Ðông bắt đầu dịu bớt. Trung Quốc và Hiệp hội các nước Ðông Nam Á ASEAN rốt cuộc đã đồng ý trên một bản hướng dẫn thực hiện Tuyên bố năm 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông.

Trong lúc đó các hoạt động ngoại giao được tăng cường đáng kể mà đỉnh cao có lẽ là chuyến công du Trung Quốc của Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ 11 tháng 10 đến 15 tháng 10.

Trước đó, hai bên đã tổ chức một loạt các cuộc tiếp xúc giữa các phái đoàn cấp cao. Vấn đề đặt ra, theo giáo sư Thayer là thái độ càng lúc càng quyết đoán của Bắc Kinh trong việc áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ bên trong đường lưỡi bò do chính họ vẽ ra đã trở thành một vấn đề quốc tế, đòi hỏi một giải pháp đa phương chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi song phương mà Trung Quốc đòi hỏi.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}