PHÓNG SỰ ÐẶC BIỆT TỪ VIỆT NAM: BỆNH TÂM THẦN Ở VIỆT NAM CHIẾM ÐẾN 15% DÂN SỐ

@ 14 October 2011 08:45 AM
Hôm nay trong tiết mục phóng sự từ trong nước, thông tín viên SB-TN gửi ra bản tin về tình trạng bệnh tâm thần gia tăng ở Việt Nam, mời quý vị cùng theo dõi... (video insert)

Một báo cáo mới về bệnh tâm thần ở Việt Nam cho thấy những bất ngờ về xã hội và phát triển dân số: hiện tại có đến Khoảng 15% dân số Việt Nam mắc bệnh tâm thần hoặc liên quan đến sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, nghiện, chậm phát triển trí tuệ. Những hình ảnh quý vị đang theo dõi được thông tín viên SBTN ở Việt Nam tổng hợp từ các trại điên ở Biên Hòa và Hà Nội, qua các sinh hoạt thường ngày của họ.

Theo nhận định, trong các trường hợp bệnh tâm thần ở Việt Nam, đa số vẫn là các bệnh tâm thần phân liệt, bệnh động kinh, rối loạn trầm cảm. Nhưng nổi lên một số bệnh tâm thần hiện đại như loạn thần, hoang tưởng, rối loạn tính cách do nguyên nhân nghiện rượu, nghiện ma túy và nghiện game. Ðặc biệt người nhiễm các bệnh này đa số đều là thanh thiếu niên, người đang độ tuổi lao động. Ðáng buồn là do thói quen dấu giếm của người Việt, nhiều người có biểu hiện bệnh nhưng người nhà vẫn muốn để điều trị tại nhà. Có một trường hợp nghiện rượu ở Ứng Hòa, sáng đi khám tại bệnh viện, bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân do nghiện rượu nặng nên mắc chứng hoang tưởng ảo giác, tiên lượng cần nhập viện điều trị nhưng người vợ xin về vì sợ chồng nằm viện không có người chăm sóc. Và chỉ đến chiều thì người chồng lên cơn chém chết cả vợ và hai con.

Bệnh tâm thần rất khó lường, đối với bệnh hoang tưởng, dù trong đầu có những tiếng nói xui khiến khác lạ nhưng người bệnh thường giả vờ bình thường nên rất khó nhận ra. Ở Việt Nam, bác sĩ tâm thần cũng rất thiếu thốn, số lượng các bác sĩ chuyên khoa về tâm thần cũng rất thiếu, chỉ có 800 bác sĩ với tỷ lệ 1 trên 100,000 dân. So với tỷ lệ trên thế giới là 1 bác sĩ cho 30,000 dân thì rõ ràng Việt Nam cần có 1500 bác sĩ tâm thần. Vì thế việc điều trị, chẩn đoán, chăm sóc dưới cơ sở cũng rất hạn chế.

Một nghiên cứu khác cho biết Trung tâm Nghiên cứu và Ðào tạo phát triển cộng đồng đã tiến hành một khảo sát với 1000 trẻ 8 tuổi ở 31 xã thuộc 5 tỉnh, thành Lào Cai, Hưng Yên, Ðà Nẵng, Phú Yên, Bến Tre từ năm 2001 đến 2005. Kết quả cho thấy cứ 10 trẻ thì có 2 em bị rối nhiễu tâm trí. Kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2008 mới được công bố cho thấy, trong số hơn 10,000 thanh thiếu niên có hơn 73% người từng có cảm giác buồn chán, hơn 4% từng nghĩ đến chuyện tử tử. So với số liệu cuộc điều tra trước đó vào năm 2003, các chuyên gia nhận thấy tỷ lệ thanh thiếu niên trải qua cảm giác buồn chán đã tăng lên. Ðặc biệt cảm giác nghĩ đến chuyện tự tử tăng lên khoảng 30%. Thế nhưng số người được chẩn đoán hoặc tự biết mình có bệnh tâm lý chỉ chiếm dưới 20%, còn lại không biết mình có bệnh.

Theo Tổ chức y tế thế giới, 33% quốc gia trên thế giới không có ngân sách chữa bệnh tâm thần, trong khi cứ một trong bốn người thì có một người bị mắc bệnh này tại một thời điểm nào đó trong đời. Riêng ở Việt Nam, WHO cũng cũng xác nhận có khoảng 15% dân số mắc bệnh tâm thần hoặc liên quan đến sức khỏe tâm thần, như trầm cảm, rối loạn lo âu, nghiện, chậm phát triển trí tuệ.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}