LẠM DỤNG ÐƯỜNG HÓA HỌC NẤU CHÈ, NGÂM TRÁI CÂY, LUỘC BẮP

@ 20 October 2011 12:08 AM
Tin Saigon - Hơn 10 năm bán chè trên đường Nguyễn Tri Phương quận 5 Saigon, một phụ nữ cho biết để chè ngon, ngọt mà giá thành không đội lên, ngoài việc sử dụng dùng đường cát bình thường bà còn cho thêm đường hóa học. Bà này kể, lúc trước vẫn dùng toàn đường cát để nấu chè nhưng vài năm trở lại đây giá đường tăng cao nên dùng thêm đường hóa học cũng tạo được vị ngọt tương tự mà giá thành rẻ hơn nhiều. Bà thú nhận mặc dù biết đường hóa học ít nhiều có hại nhưng vì giúp giảm chi phí nên vẫn dùng. Song bà căn dặn mọi người trong nhà không nên ăn chè nấu để bán, khi muốn ăn sẽ nấu nồi riêng. Ðường hóa học cyclamate bị xếp trong danh mục cấm sử dụng để chế biến thực phẩm, nhưng ở các chợ lớn nhỏ tại Saigon rất dễ dàng mua được loại chất tạo ngọt mà người dân hay gọi đường hóa học, với giá chỉ từ vài chục ngàn một ký. Loại đường phổ biến nhất hiện nay có dạng viên hình vuông, to bằng hạt đậu, nhập từ Trung cộng và đựng trong những bọc trắng không nhãn mác. Loại đường này có vị ngọt gấp vài trăm lần so với đường cát trắng nên thông thường người dân chỉ mua từ vài trăm gram hoặc một ký để dành dùng lâu dài.

Một chủ tiệm tạp hóa trên đường Cao Thắng quận 10 cho biết các loại trái cây ông đã ăn dù là cóc, ổi, xoài cũng có vị ngọt đậm phía ngoài nhưng bên trong vẫn chát, vì người bán đã ngâm trái cây trong đường hóa học để tăng vị ngọt. Nhờ độ ngọt cao, giá thành lại rẻ nên tại các hàng quán vỉa hè, tiểu thương vẫn dùng loại đường hóa học này để chế biến thức ăn, luộc bắp hay ngâm trái cây để tăng vị ngọt. Người ăn phải các loại thực phẩm chứa đường hóa học có thể gây xuất hiện cảm giác chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, ù tai hoặc dị ứng tùy vào lượng dùng. Ngay cả cà phê, nước mắm cũng bị pha đường hóa học, và tình trạng này đang lan tràn khắp nơi tại Việt Nam.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}