HỒ XUÂN HƯƠNG BỐC MÙI HÔI THỐI

@ 20 October 2011 08:34 PM
 
Tin Ðà Lạt - Người dân thành phố Ðà Lạt báo động: hồ Xuân Hương bốc mùi thối không chịu nổi. Du khách và cả dân địa phương đi ngang đều phải lấy tay bịt mũi. Theo báo chí trong nước, thủ phạm bức tử hồ Xuân Hương là lớp tảo lam đóng thành mảng dày 3 tấc trôi bồng bềnh và đóng thành tảng lớn dày cứng trên mặt nước hồ, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ðược biết nhà cầm quyền Lâm Ðồng vừa thực hiện một loạt biện pháp gọi là cứu nguy hồ Xuân Hương bằng cách xây lại cầu Ông Ðạo bắc ngang hồ, nạo vét, thay nước hồ. Tuy nhiên chỉ một tháng sau khi hồ tích nước trở lại thì tảo lam cũng xuất hiện, coi như dự án cứu hồ Xuân Hương trị giá hàng chục tỉ đồng trở thành vô ích.

Giải thích tình trạng này, một viên chức Sở Khoa Học tỉnh Lâm Ðồng cho rằng vì nước bẩn từ các khu vực dân cư đổ vào, biến hồ Xuân Hương thành nơi tích tụ nước cống lâu ngày bốc mùi thối. Tình trạng này đã được báo động nhiều năm trước, các chuyên gia đã lên tiếng báo động về tình trạng cá chết ngập hồ Xuân Hương vì ngộp nước tảo lam. Nguồn tin này cũng cho biết, nhiều loại rác thải từ đầu nguồn xả xuống sau mỗi cơn mưa làm cá chết và rác rưởi thối rữa gây ô nhiễm trầm trọng cho hồ.

Trong một tài liệu còn để lại cho biết hồ Tuyền Lâm trước đây là khu vực trong lành bậc nhất Ðà Lạt cũng đã bị bốc mùi hôi thối vì rác. Hồ Tuyền Lâm là vùng thượng nguồn chứa nước ô nhiễm đổ về Ðà Lạt nên gây tác hại cho thác Cam Ly và cả thành phố này.

Ðà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng Việt Nam ở độ cao 1500 thước so với mực nước biển có khí hậu mát mẻ quanh năm còn được coi là một bảo tàng kiến trúc Châu Âu thế kỷ 20. Hàng triệu du khách khắp nơi đổ về Ðà Lạt mỗi năm để thăm thành phố có hàng trăm ngôi chùa, nhà thờ, tu viện và đầy hoa đẹp, rau quả của vùng khí hậu ôn hòa.

Tuy nhiên từ sau năm 1975, Ðà Lạt bị băm nát vì cán bộ quyền chức chiếm đất xây nhà. Không được bảo vệ trước làn sóng du khách ồ ạt đổ về, Ðà Lạt trở thành túi chứa rác từ bốn phương. Khung cảnh thiên nhiên bị tàn phá nặng nề khiến giờ đây dân Ðà Lạt phải xài quạt máy vào mùa Hè, hiện tượng chưa hề xảy ra trước năm 1975.(SBTN)