HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ BIỂN ÐÔNG LẦN THỨ BA CẢNH CÁO NGUY CƠ CHIẾN TRANH VÙNG

@ 8 November 2011 03:33 AM
HÀ NỘI.-Tranh chấp chủ quyền trên Biển Ðông có nguy cơ bùng nổ thành xung đột toàn diện nếu các nước liên can không tuân thủ luật lệ quốc tế. Tuyên bố trên đây của Ðại sứ Ðặng Ðình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nêu rõ mối quan tâm của hàng chục chuyên gia về Biển Ðông đang có mặt tại Hà Nội để tham gia Hội thảo Quốc tế về Biển Ðông lần thứ ba được tổ chức trong hai ngày 04 và 5 tháng 11 tại Hà Nội. Trong hội thảo, ông Ðặng Ðình Quý đã nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng ngày càng hiển nhiên của Biển Ðông đối với hòa bình và ổn định của toàn khu vực khi cảnh báo rằng: Biển Ðông vẫn còn đầy rẫy những mối căng thẳng tiềm tàng có nguy cơ leo thang thành xung đột trên quy mô toàn diện nếu không cố gắng tự kiềm chế và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Ðối với người đứng đầu Học viện Ngoại giao, cơ quan cùng với Hội Luật gia Việt Nam, đồng tổ chức hội nghị khoa học về Biển Ðông ở Hà Nội, thì nguy cơ chiến tranh bùng nổ hoàn toàn có thể xẩy ra nếu cộng đồng quốc tế không đối phó được với các tình huống khủng hoảng một cách thích hợp, cho dù tình hình khu vực về cơ bản vẫn hòa bình. Hội thảo mở ra vào lúc tình hình Biển Ðông đang có nhiều diễn biến đáng ngại đặc biệt là với một loạt hành động hung hăng của Trung Quốc nhắm vào tàu bè Việt Nam, Philippines, Ấn Ðộ để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên hơn 80% hải phận Ðông. Ðây là lần thứ ba mà Việt Nam đứng ra tổ chức một hội nghị khoa học quốc tế về Biển Ðông, tập hợp được hầu như tất cả các chuyên gia nghiên cứu tên tuổi hiện nay trong lãnh vực này, đến từ mọi nơi trên thế giới.

Trong khu vực thì có các học giả Ðông Nam Á, Trung Quốc, Úc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan, ngoài châu Á thì có Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Na Uy, Thụy Ðiển, Nga. Với chủ đề chính là Biển Ðông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực, cuộc hội thảo lần này bao gồm 8 phiên thảo luận, về nhiều đề tài khác nhau, từ tầm quan trọng của Biển Ðông, lợi ích của các bên trong và ngoài khu vực, cho đến những diễn biến gần đây trên Biển Ðông, các khía cạnh pháp lý quốc tế, cách thức thúc đẩy hợp tác.(SBTN)

{nl}{nl}