CÁC NHÀ TÀI TRỢ THÚC GIỤC VIỆT NAM CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG NHÂN QUYỀN VÀ KINH TẾ

@ 9 December 2011 01:35 AM
Tin Hà Nội - Trong cuộc họp thường niên hôm nay tại Hà Nội, các nhà tài trợ cho Việt Nam đã thúc giục Hà Nội một mặt phải cải tổ cơ cấu kinh tế, nhưng mặt khác phải cải thiện tình trạng nhân quyền, để điều này không cản trở sự phát triển về dài hạn của Việt Nam. Hôm nay Hội nghị nhóm tham vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam đã họp tại Hà Nội và như thường lệ, các nước và các tổ chức tài trợ cho Việt Nam đã công bố mức cam kết viện trợ phát triển chính thức cho năm 2012 là gần 7.4 tỷ đô-la, nhưng với điều kiện là Hà Nội phải đẩy mạnh cải tổ cơ cấu kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị, giám đốc Việt Nam của Ngân hàng Thế giới Victoria Kwakwa đã nói đối với Việt Nam, tiếp tục thực hiện cải tổ cơ cấu ngay bây giờ sẽ dễ hơn là phải cải tổ cơ cấu sau khi đã bị khủng hoảng. Trước tình trạng lạm phát leo thang dù hiện còn ở mức khoảng 20%, thâm thủng mậu dịch tăng cao lên đến 12.4 tỷ đôla năm 2010, và giá trị tiền đồng sụt giảm mạnh sau 4 lần phá giá chỉ trong 15 tháng, Ðảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm nay đã phải thi hành một chính sách thắt chặt tiền tệ được biết dưới tên là Nghị quyết 11. Trong bản báo cáo chuẩn bị cho hội nghị, Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế cảnh báo là nếu bây giờ mà Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ, sẽ có nguy cơ mất ổn định kinh tế. Theo lời đại diện thường trú của IMF ở Việt Nam Sanjay Kaira, Việt Nam cần có hành động nhanh chóng và cương quyết để bảo đảm tính vững chắc của khu vực tài chính, đồng thời với việc tái lập ổn định kinh tế của mình.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, khu vực ngân hàng Việt Nam đang có những dấu hiệu căng thẳng và phẩm chất tài sản ngân hàng rất đáng lo ngại, do mức tăng tín dụng cao một cách bất thường trong những năm gần đây. Nói chung trong cuộc họp hôm nay, các nhà tài trợ cho rằng Hà Nội phải cải tổ khu vực ngân hàng, tư nhân hóa các doanh nghiệp Nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và đẩy mạnh chống tham nhũng. Nhưng bên cạnh đó, các nhà tài trợ cũng đã bày tỏ mối lo ngại về những vụ vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, nơi mà nhà nước không dung thứ bất cứ lời chỉ trích nào. Tuyên bố tại hội nghị, đại sứ Na Uy tại Hà Nội là Stale Torstein Risa cho rằng tình trạng này phá hỏng sự tin cậy của quốc tế về những cam kết của Việt Nam, cũng như gây phương hại cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Phát biểu nhân danh luôn cả Canada, New Zealand và Thụy Sĩ, nhà ngoại giao Na Uy nhấn mạnh rằng việc bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa không thể bị trừng trị, mà đáng lẽ phải được khuyến khích. Theo hãng tin AFP, đáp lại những khuyến cáo của các nhà tài trợ, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hôm nay vẫn đưa ra những lời tuyên truyền rằng quyền tự do của người dân và dân chủ là mục tiêu của nhà nước, nhưng phải được thực thi trong khuôn khổ pháp luật và Hiến pháp. Ðương sự tuyên bố sằn sàng có một cuộc đối thoại thẳng thắng các nhà tài trợ về vấn đề này để hai bên hiểu nhau hơn.

Báo chí trong nước loan tin Hội nghị sẽ cấp 7.4 tỷ vốn ODA cho Việt Nam, nhưng dấu nhẹm những lời chỉ trích về vấn đề nhân quyền. Theo tổng kết của Ân xá quốc tế, kể từ khi Hà Nội tung chiến dịch đàn áp quyền tự do ngôn luận vào cuối năm 2009 cho đến nay, hàng chục nhà hoạt động chính trị đã bị kết án tù nặng nề ở Việt Nam.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}