PHÓNG SỰ ÐẶC BIỆT TỪ VIỆT NAM: VỤ CHÁY TÒA THÁP ÐÔI Ở VIỆT NAM CHO THẤY NHỮNG BẤT CẬP TRONG PHÁT TRIỂN Ở VIỆT NAM

@ 21 December 2011 05:39 AM
Hôm nay trong tiết mục phóng sự đặc biệt từ trong nước, thông tín viên SB-TN gửi ra bản tin về vụ cháy tòa tháp đôi cao nhất ở Hà Nội vừa qua cho thấy những bất cập trong sự phát triển ở Việt Nam, mời quý vị cùng theo dõi trong phóng sự... (video insert)

Sự phát triển ở Việt Nam được quảng bá hết sức lộng lẫy, nhưng thực tế trong ruột thì còn rất nhiều bất cập. Vụ cháy tòa nhà cao 33 tầng, được mệnh danh là tháp đôi của Việt Nam, vừa qua đã bộc lộ rất nhiều nhược điểm của một đô thị lớn nhưng thiếu những phương pháp bảo vệ an toàn. Vụ cháy tòa tháp 33 tầng của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam gọi tắt là EVN, khiến gần 30 người phải vào bệnh viện mới đây là một ví dụ rất rõ. Ngay sau vụ hỏa hoạn vài ngày, những tin tức được phơi bày trên báo chí đã làm lộ ra những yếu kém đến mức không ai có thể tưởng tượng được: Hệ thống phòng hỏa của tòa nhà cao tầng đó hoàn toàn vô hiệu.

Theo quy định của một đô thị hiện đại, thì cứ 150 thước dọc các trục đường phải có một trụ cứu hỏa, thì lẽ ra nội thành Hà Nội cần phải có 6000 trụ cứu hỏa, và sẽ phải có thêm hàng ngàn trụ nữa trong tương lai do sự phát triển của thủ đô. Nhưng hiện tại thủ đô tốn hàng ngàn tỉ đồng để làm đại lễ Thăng Long lại mới chỉ có gần 1000 trụ, mà nhiều trụ lại không có nước hoặc không vận hành được. Dân cư ở Hà Nội mỉa mai nói các trụ đó chỉ hoàn toàn là hình thức, dù việc xây dựng chúng rất tốn kém. Bên cạnh đó, khi có chuyện mới vỡ lẽ là Lực lượng cứu hỏa ở Hà Nội có 52 xe cứu hỏa nhưng chỉ có 30 xe hoạt động được, thang máy cứu hỏa chỉ vươn tới được tầng 17, trong khi toàn thành phố có hàng trăm tòa nhà trên 20 tầng.

Về nhân sự, các nhân viên cứu hỏa bị cho là quá ít. Hỏa hoạn là loại giặc thứ 2 trong 4 loại giặc gồm thủy, hỏa, đạo, tặc gây ra sự tàn phá lớn nhất cho xã hội. Chính vì vậy mà việc phòng chống hỏa hoạn, nhất là việc phòng chống hỏa hoạn ở những đô thị lớn, phải được đặt ra một cách nghiêm túc. Muốn phòng ngừa phải giám sát nghiêm ngặt về các dự án thiết kế ở mọi công trình xây dựng. Muốn chống phải có lực lượng tinh nhuệ, có phương tiện và máy móc đầy đủ, những vấn đề đó đã được đặt ra từ lâu nhưng xem ra chúng vẫn chưa được những người có trách nhiệm ở các đô thị lớn tại Việt Nam quan tâm đúng mức. Bỏ ra vài trăm tỷ hay ngàn tỷ để có được những phương tiện cứu hỏa tối tân, đối với ngân sách một thành phố như Hà Nội hay Sài Gòn thật sự đâu phải là quá lớn, trong khi chỉ một vụ hỏa hoạn lớn đã có thể gây thiệt hại về vật chất lớn hơn nhiều, đó là chưa kể thiệt hại về con người thì không thể nào đo đếm được.

Thế nhưng nhà nước Cộng sản Việt Nam mỗi năm bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng, thất thoát hàng ngàn tỉ cho những điều vô lý và vô ích, còn những điều thiết thực thì không thấy đâu. Thật đau lòng khi một đám cháy bùng lên từ một ngôi nhà, những người phát giác chạy đến chỗ có đặt phương tiện chữa lửa thì phương tiện đó lại vô hiệu, và đám cháy cứ thế lan ra mà không bị bất cứ sự khống chế nào. Thật đau lòng khi những chiếc xe cứu hỏa sau khi phun hết nước, chạy đến để lấy nước tiếp ở những trụ cứu hỏa thì trụ không hoạt động hoặc không có nước. Thật đau lòng khi thấy những người bị nạn ở tầng nhà thứ 18 trở lên cuống cuồng kêu cứu nhưng thang cứu người lại chỉ lắc lư lên được tầng 17 rồi dừng lại. Thật xấu hổ cho một nền phát triển đầy chỉ số rỗng tuếch mà Nguyễn Tấn Dũng và các lãnh tụ Cộng sản Việt Nam vẫn rêu rao.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}