HOA KỲ TRỞ LẠI CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG

@ 31 December 2011 06:49 AM
{nl}

Tin tổng hợp - Hải quân Hoa Kỳ vừa cho biết trong những năm tới, nước này có thể sẽ cho một số tàu tuần tra đóng tại Singapore và Phi Luật Tân. Ðây là một dấu chỉ cho thấy Hoa Kỳ đang nghiêm túc thực hiện kế hoạch trở lại Châu Á Thái Bình Dương, một trong các sự kiện được chú ý nhất trong năm qua. Tưởng cũng cần nhắc lại là trước đây vào tháng 11, nhân chuyến thăm Úc, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phát biểu trước quốc hội Úc rằng với tư cách Tổng thống, với tư cách là một nước thuộc vùng Thái Bình Dương, ông đã ra một quyết định kỹ càng và có tính chiến lược.

Hoa Kỳ sẽ đóng một vai trò lớn hơn và lâu dài hơn trong việc định hướng tương lai khu vực này. Ông Obama còn khẳng định mặc dù Hoa Kỳ đang gặp khó khăn về ngân sách, nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng gì đến sự hiện diện của nước này ở Thái Bình Dương. Trong năm nay, người ta bắt đầu chú ý đến sự kiện nước này tuyên bố trở lại khu vực Thái bình dương với những phát biểu của cả Tổng thống, Ngoại trưởng và bộ trưởng bộ quốc phòng. Nhiều người cho rằng chính sự phát triển và ổn định kinh tế của một số nước trong khu vực, chính sự trỗi dậy khó kềm chế của Trung Cộng cùng với sự phức tạp ở Biển Ðông đã khiến Hoa Kỳ quyết định chuyển trọng tâm sang Châu Á, mặc dù đang gặp khó khăn ngân sách. Biển Ðông là thủy lộ ngắn nhất giữa Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương và có nhiều cảng với lưu lượng tàu thuyền lớn nhất thế giới.

Thực tế hơn một nửa sản lượng dầu của cả thế giới được vận chuyển qua con đường này. Và bảo vệ tự do hàng hải nơi đây được Hoa Kỳ xem đây là lợi ích quốc gia.

Tháng 11 vừa qua, đón tiếp Tổng thống Hoa Kỳ, nữ Thủ tướng Úc là bà Julia Gillard đã tuyên bố bắt đầu từ năm 2012, nước này chấp nhận cho Washington đưa 2500 quân ở căn cứ Darwin của Úc. Mặc dù 2500 quân là một con số không lớn, nhưng nó là một dấu chỉ ngoại giao quan trọng cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng để biểu diễn trên sân khấu khu vực này hơn bất cứ lúc nào trong hơn bốn thập niên qua. Darwin chính là cửa ngõ vào Ðông Nam Á trong khi tại khu vực tây Thái Bình Dương, Trung Cộng có tranh chấp về biển đảo với Nhật Bản và với 5 nước Ðông Nam Á tại quần đảo Hoàng sa, Trường Sa. Sau khi cuộc chiến tại Việt Nam kết thúc, một loạt các căn cứ của Hoa Kỳ ở Thái Lan và Phi Luật Tân bị giải thể. Trừ các căn cứ Hoa Kỳ ở khu vực Bắc Á tại Nam Hàn và Nhật Bản, Darwin sẽ là căn cứ quân sự đầu tiên gần Ðông Nam Á sau khi chiến tranh kết thúc tại Việt Nam.

Cách đây vài ngày có tin Hoa Kỳ có thể đưa thêm tàu tuần tra vào Singapore và Phi Luật Tân, cũng là một hành động cho thấy Hoa Kỳ ráo riết trở lại Châu Á. Ngoài những vấn đề ấy, còn một vấn đề rất quan trọng nữa là vấn đề dân chủ, nhân quyền để bảo vệ tự do cá nhân. Ðó hầu như là những giá trị ngoại giao của Hoa Kỳ. Những điều này đã được biết đến cụ thể là tại Hội nghị Thượng đỉnh Ðông Á, cũng đã có những đồng thuận về việc thay đổi dân chủ tại các nước trong khu vực này. Và dĩ nhiên là rõ ràng Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò xúc tác trong sự thay đổi ấy.

Với những đồng minh ở Châu Á như Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Phi Luật Tân, Thái Lan; với những căn cứ quân sự ở Bắc Á; với việc tham gia vào các khối kinh tế như APEC, G20, TPP; và với việc vươn đến những nước như Ấn Ðộ, Nam Dương, Singapore, Tân Tây Lan, Mã Lai, Mông Cổ, Việt Nam, Brunei, và các nước trong vùng Ðảo Thái Bình Dương, Hoa Kỳ xem như đã bước được một chân vào khu vực và sẽ còn hiện diện ở nơi này nhiều hơn trong năm mới.(SBTN)