PHÓNG SỰ ÐẶC BIỆT TỪ VIỆT NAM: ÐÌNH CÔNG CỦA VIỆT NAM NĂM QUA CAO LỶ LỤC, VÀ NĂM 2012 CÓ THỂ SẼ CAO HƠN

@ 14 January 2012 10:33 AM
Trong tiết mục phóng sự đặc biệt từ Việt Nam, hôm nay thông tín viên SB-TN từ trong nước gởi ra bản tin về tình trạng đình công ở Việt Nam trong năm qua, mời quý vị theo dõi... (video insert)

Hãng thông tấn Ðức DPA hôm qua trích thuật nguồn tin từ giới hữu trách trong nước cho biết trong năm qua các cuộc đình công diễn ra tại Việt Nam tăng cao kỷ lục, xuất phát từ yêu cầu tăng lương do tình hình lạm phát leo thang. Thống kê của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội của nhà nước Cộng sản Việt Nam ghi nhận tổng cộng có 857 cuộc đình công trong 11 tháng đầu năm ngoái, tức tăng gấp đôi tổng số cuộc đình công xảy ra trong cả năm 2010 trước đó. Giới chức của Bộ cho hay nạn đình công leo thang không chỉ do lạm phát, mà còn bởi nhiều công ty không tuân thủ luật lao động như không ký hợp đồng với nhân viên, không chịu chi trả bảo hiểm xã hội cho người lao động, hoặc chế độ ngày nghỉ đối với nhân công không thỏa đáng.

Dù theo quy định ở Việt Nam, đình công phải được nhà chức trách cho phép, nhưng tất cả các cuộc đình công trong năm qua đều là các vụ bãi công bất hợp pháp, không xin phép nhà nước. 3/4 số cuộc đình công trong năm diễn ra tại các công ty có vốn đầu tư ngoại quốc. Tình trạng đình công liên tục gia tăng tại Việt Nam từ năm 2006 tới nay. Năm 2010 cả nước có 422 vụ, và năm 2009 trước đó có 218 vụ đình công. Ðáng chú ý hầu hết các cuộc đình công trên đều mang tính tự phát do nhân công quá đói khổ.

Theo báo cáo của Bộ Lao động ghi nhận là đến nay chưa có cuộc đình công nào theo đúng trình tự quy định của pháp luật, mặc dù 70% trong số đó xảy ra ở các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Bản tin của RFI cũng khẳng định rằng lạm phát tăng vọt, đời sống đắt đỏ, lợi tức từ đồng lương không bảo đảm cuộc sống là động cơ chính trong các cuộc đấu tranh của công nhân. Tuy nhiên cơ quan quản lý lao động của Việt Nam lại xác định nguyên nhân chính là do một số chủ doanh nghiệp chưa chấp hành đúng quy định luật lao động như không ký hợp đồng, không đóng bảo hiểm xã hội, không giải quyết chế độ ngày nghỉ, tiền lương. Các quan chức của Bộ Lao động cũng giải thích tình trạng đình công gia tăng là do nhu cầu nhân lực ở Việt Nam, đặc biệt ở các khu công nghiệp vẫn lớn, người lao động không sợ bị sa thải nên sẵn sàng đình công, thêm vào đó là do kỷ luật lao động của người lao động chưa cao.

Dù gì thì con số gia tăng kỷ lục các cuộc đình công trong năm qua cũng khiến Hà Nội phải lo ngại. Phó thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trung bình một tuần có 16 cuộc đình công, đây là con số đáng lo, nếu còn tăng nữa như đà các năm qua thì rất đáng lo ngại. Nhân vật này cũng cảnh báo thời gian tới đây sẽ còn không ít doanh nghiệp và các ngành gặp khó khăn. Vài năm trở lại đây các cuộc đình công tự phát của công nhân đòi tăng lương, cải thiện điều kiện lao động vẫn tăng liên tục. Ðã có không ít tai nạn thương tâm xảy ra với người lao động trong các cuộc đấu tranh như vậy. Dự báo trong nằm 2012, con số đình công sẽ còn cao hơn do đời sống kinh tế Việt Nam đã quá suy thoái, nhiều công ty ngừng việc. Báo cáo mật của trung ương Cộng sản cho biết đã có khoảng 50,000 công ty ngừng việc hay phá sản năm 2011, và con số này sẽ còn tăng nữa.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}