KÝ ỨC VỀ TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA 19 THÁNG 1 NĂM 1974 DẦN DẦN ÐƯỢC TÁI HIỆN

@ 17 January 2012 09:06 AM


TỔNG HỢP.-Cách đây gần đúng 38 năm, ngày 19 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc ấy thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa, phần đất phía Nam của Việt Nam do bị chia đôi theo Hiệp Ðịnh Geneve 1954. Trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra ác liệt. Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa chống trả anh dũng, nhưng vì tương quan lực lượng bất lợi, nên cuối cùng đã không bảo vệ được quần đảo này. Theo tài liệu của VNCH, tổng cộng 74 binh sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh, trong đó có hạm trưởng hộ tống hạm HQ-10 Ngụy Văn Thà.


HQ Ðại tá Hà Văn Ngạc viết lên bia chủ quyền tại Hoàng Sa- 1973

Nhiều binh sĩ khác bị Trung Quốc bắt làm tù binh và sau đó được trao trả cho Việt Nam Cộng Hòa, thông qua Hồng Thập Tự Quốc Tế ở Hồng Kông. Những binh sĩ bảo vệ Hoàng Sa đó đã bỏ mình vì Tổ Quốc cách đây gần 40 năm, nhưng cho tới nay, chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã cai quản toàn bộ đất nước rồi mà vẫn chưa vinh danh những người từng hy sinh cho tổ quốc Việt Nam ở Hoàng Sa, trong khi đây là yêu cầu của nhiều người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Trong một thời gian dài, vấn đề hành xử chủ quyền Hoàng Sa trong giai đoạn trước năm 1975 gần như là một đề tài cấm kỵ đối với nhà cầm quyền Cộng Sản ở Miền Bắc, cho nên cả một mảng lịch sử của quần đảo này không được ai nhắc tới. Nếu chỉ học theo các sách giáo khoa lịch sử chính thống, thế hệ trẻ bây giờ ít ai biết được Hoàng Sa đã từng được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quản lý như thế nào, Trung Quốc đã cưỡng chiếm quần đảo này bằng những thủ đoạn gì và Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu anh dũng ra sao để bảo vệ mảnh đất này của Tổ quốc. Lý do đơn giản là Hà Nội chưa bao giờ công nhận Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia, một chính thể, mà chỉ gọi là ngụy quyền, chính quyền bù nhìn hay lịch sự hơn là chính quyền Sài Gòn.

Mãi đến gần đây, để biện hộ cho Công hàm Phạm Văn Ðồng 1958, nên ngày 20 tháng 7 năm 2011, tờ Ðại Ðoàn Kết buộc phải công nhận rằng, vào thời điểm năm 1958, Hoàng Sa và Trường Sa "tạm thời thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa", chính phủ này ở Miền Nam "đã liên tục thực thi" chủ quyền trên hai quần đảo đó và đặc biệt đã quyết liệt chống trả sự xâm lược của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.

Theo lập luận của tờ Ðại Ðoàn Kết, vào thời điểm đó, nhà cầm quyền ở Miền Bắc là chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền trên hai quần đảo này. Cho nên, công hàm Phạm Văn Ðồng không hề tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa và cách diễn giải của phía Trung Quốc về bức công hàm là "xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý".

Gần đây, vào cuối tháng 11, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên tuyên bố công khai là năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc ấy thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Ông Dũng nhìn nhận là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp.

Như vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa đã được thực thi liên tục và công lao đó một phần không chỉ là thuộc về những binh sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu và tử trận trên biển, mà còn thuộc về những người đã sống và làm việc trên quần đảo này từ 1956, khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tiếp nhận quyền quản lý Hoàng Sa, cho đến năm 1974 khi Trung Quốc cưỡng chiếm.

Chỉ đến gần đây, ký ức về thời kỳ đó mới bắt đầu được tái hiện. Tờ Tuổi Trẻ Online vào tháng 9 tháng 2009 đã đăng tải một loạt bài "Hoàng Sa, tường trình từ 35 năm sau", ghi lại lời kể, suy tư của những người đã từng chiến đấu vì Hoàng Sa cách đây gần 40 năm. Thật ra thì phải gọi là "Hoàng Sa, tường trình từ 34 năm sau", vì tác giả Bùi Thanh, nguyên Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đã viết và đăng trên blog của ông từ đầu năm 2008. Sau khi biên soạn lại và đăng được 2 kỳ, báo Tuổi Trẻ cáo lỗi độc giả vì không thể đăng tiếp kỳ sau, nhưng không nói rõ lý do.

Sau đó, một số trang mạng đăng tiếp hai kỳ còn lại đã được công bố trên blog của nhà báo Bùi Thanh. Ngày 9 tháng 1 năm vừa qua, một tập "Kỷ yếu Hoàng Sa" vừa được ra mắt độc giả tại Viện Bảo tàng Ðà Nẵng. Ðây là lần đầu tiên có một tài liệu ghi lại lời kể của những nhân chứng từng sống, làm việc ở Hoàng Sa hoặc đã tham gia chiến đấu khi quần đảo này bị Trung Quốc chiếm đoạt bằng vũ lực. Một số trích đoạn của "Kỷ yếu Hoàng Sa" đã được tờ Tuổi Trẻ Online bắt đầu đăng tải từ hôm qua.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}