VIỆT NAM BỊ VỤ TIÊN LÃNG THÚC ÐẨY PHẢI NHANH CHÓNG SỬ ÐỔI LUẬT ÐẤT ÐAI

@ 21 February 2012 04:19 PM


HÀ NỘI.-Vụ cưỡng chế thu hồi đất bị xem là trái pháp luật ở Tiên Lãng, Hải Phòng, dẫn đến hành động chống trả của gia đình ông Ðoàn Văn Vươn đã phơi bày thực tế lạm quyền và tham nhũng ở các địa phương, cũng như đặt ra nhiều vấn đề về tam quyền phân lập, về Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Nhưng cấp thiết hơn hết, đó là vấn đề sửa đổi Luật Ðất đai 2003, một văn bản luật bị xem là nguồn gốc của các vụ khiếu kiện về đất đai ở Việt Nam.

Ngày 10 tháng 2 vừa qua, trong kết luận về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, Thủ tướng Việt cộng Nguyễn Tấn Dũng phải nhìn nhận rằng trình độ, năng lực cán bộ quản lý đất đai, nhất là ở cơ sở còn nhiều hạn chế trong khi đất đai đang biến động rất nhanh, văn bản pháp luật về đất đai lại rất nhiều và phức tạp, nên công tác quản lý đất đai trong cả nước còn nhiều bất cập. Nguyễn tấn Dũng yêu cầu phải tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai để kiến nghị sửa đổi Luật đất đai cho phù hợp với thực tế tình hình và yêu cầu phát triển mới.

Thật ra từ mấy năm qua, nhiều người, nhất là trong giới chuyên gia luật pháp, đã lên tiếng về những bất cập trong Luật đất đai của Việt Nam. Nay các lãnh đạo Việt Nam mới nhìn thấy thực tế ấy.

*Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên TuanVietNam.net ngày 10 tháng 2, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng vụ việc này càng thúc bách chứ không chỉ nhắc nhở phải sớm chỉnh sửa Luật đất đai. Theo ông Vũ Khoan, trong số các đạo luật về kinh tế ở Việt Nam, Luật đất đai có tầm quan trọng hàng đầu vì dù sao nước ta vẫn là nước nông nghiệp, trên 70% dân số sống ở nông thôn; quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang được đẩy mạnh ảnh hưởng rất nhiều tới đất đai; đây cũng là nơi phát sinh nhiều tệ nạn tiêu cực, tham nhũng.

Ông Vũ Khoan cho rằng trong việc sửa đổi Luật Ðất đai, có hai điểm mấu chốt nhất: Thứ nhất là mối quan hệ giữa khái niệm "đất đai là sở hữu toàn dân" một khái niệm mà ông cho là quá rộng và trừu tượng trong khi các quyền của người dân nói chung và người nông dân nói riêng là những con người cụ thể.

Thứ hai là, sự phân cấp thế nào cho các cấp chính quyền địa phương để thực thi quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện cho sở hữu toàn dân. Bên cạnh đó có chuyện giải quyết tranh chấp đất đai theo cơ chế nào là thỏa đáng, bằng biện pháp hành chính hay qua tòa án, bằng cưỡng chế theo quyết định hành chính hay thi hành án.

Trong khi đó, phần lớn các chuyên gia luật pháp tại Việt Nam đều cho rằng không phải chỉ là định nghĩa lại khái niệm đất đai là sở hữu của toàn dân mà là bỏ hẳn khái niệm này. Chính quyền chỉ giữ lại một số đất công hữu và công nhận quyền tư hữu đất đai chứ không phải chỉ là quyền sử dụng.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}