PHÓNG SỰ ÐẶC BIỆT TỪ VIỆT NAM: SỐ CÔNG NHÂN LAO ÐỘNG CHẾT NGÀY CÀNG NHIỀU

@ 15 March 2012 11:26 PM
Hôm nay trong tiết mục phóng sự đặc biệt từ Việt Nam, thông tín viên SB-TN từ trong nước gởi ra bản tin về tình trạng số công nhân lao động tử nạn ngày càng tăng cao, mời quý vị theo dõi...(video insert)...

Mặc dù các vụ tai nạn lao động liên tục xảy ra ở Việt Nam với mức độ trầm trọng, và dù được cảnh báo không ngớt, nhưng nhiều chủ đầu tư, nhà cầm quyền địa phương vẫn đang bỏ ngỏ các biện pháp an toàn cho công nhân. Ở Việt nam, trước các công trình xây dựng hiện nay đều có bảng thông báo ghi rõ những quy định an toàn, tuy nhiên nhiều năm qua đây dường như chỉ là hình thức. Không chỉ tại các công trình tư nhân, nhiều dự án lớn cũng đang buông lỏng việc thực hiện những quy định này.

Sài Gòn là nơi nhộn nhịp các công trình xây dựng, và nếu chỉ cần đi một vòng dạo quanh, bất kỳ ai cũng thấy rõ là hầu như tất cả những quy định an toàn, đặc biệt là những quy định khi làm việc trên cao, đều bị vi phạm, từ các dàn giáo không đủ tiêu chuẩn đến việc thiếu vật dụng bảo vệ như găng tay, mũ, kính, giày, dây bảo hiểm dành cho công nhân. Trong một hồ sơ thanh tra, thông tín viên SBTN tại Sài Gòn tìm thấy phần tim hiểu với công nhân lao động, trong đó anh Nguyễn Văn Hiệp đang làm tại một công trình tư nhân tại Quận 2 cho biết đã làm việc qua hàng trăm công trình nhưng số lần anh sử dụng dây bảo hiểm chỉ đếm trên đầu ngón tay, lý do là vì chủ đầu tư tuyên bố dùng dây bảo hiểm rất vướng víu. Thực tế tại những công trình tư nhân có rất ít đồ bảo vệ, hơn nữa tác dụng của phần lớn những dụng cụ này là để đối phó với lực lượng kiểm tra.

Theo báo cáo của 63 tỉnh và thành phố, trong năm 2011 trên toàn quốc xảy ra 5896 vụ tai nạn lao động, làm 6154 người bị nạn, trong đó có 504 vụ tai nạn lao động chết người, làm 574 người chết. Theo số liệu báo cáo, 10 địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người là Sài Gòn, Bình Dương, Hà Nội, Ðồng Nai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ðà Nẵng, Hà Tĩnh, Sơn La và Thái Nguyên. Trong đó, cao nhất là Sài Gòn có 81 vụ tai nạn chết người, với 82 người chết. Kế tiếp là Bình Dương với 40 vụ tai nạn chết người, 40 người chết. Các chuyên gia về tai nạn lao động cho biết có đến 50% các tai nạn lao đông là do ngã từ trên cao bởi các giàn giáo xây dựng hết sức cẩu thả và không an toàn, hoặc bị đè sập chết cũng bởi các nguyên nhân tương tự. Có một thực tế là trả tiền bồi thường cho một nạn nhân chết vì tai nạn lao động rẻ hơn là trả cho một người bị thương tật.

Vì vậy rất nhiều trường hợp, các cựu công nhân lao động cho biết rằng họ nghi ngờ các chủ lao động không sốt sắng trong việc cứu chữa các người bị tai nạn. Mạng người ở Việt Nam rất rẻ, có những trường hợp người chết vì tai nạn lao động, gia đình chỉ được bồi thường có 400 đến 500 Mỹ kim, không bằng một bữa ăn nhậu của các đảng viên cao cấp. Nhưng vì đói kém, người làm việc không ngại nguy hiểm vẫn cứ xông vào, vì vậy, thảm cảnh cứ diễn ra với giá rẻ mạt đến mức đáng buồn ở trong nước.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}