LIỆU CUỘC TRANH CHẤP BIỂN ÐÔNG CÓ BIẾN THÀNH CHIẾN TRANH QUÂN SỰ HAY KHÔNG

@ 20 March 2012 03:15 AM


TỔNG HỢP.- Số ra thường niên cho năm 2012 của tạp chí quan hệ quốc tế Le Monde Diplomatique dành đến 3 bài để phân tích và từ đó vẽ ra viễn cảnh khu vực trong năm 2012. Trong số những bài này, có một bài tiên đoán liệu cuộc tranh chấp Biển Ðông có biến thành chiến tranh quân sự hay không. Tác giả bài báo đưa ra nhận định rằng sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Washington là sự hợp tác đầy sóng gió. Sau đó bài viết nhìn về quan hệ Mỹ-Trung kể từ những năm 70 của thế kỷ trước, với bao thăng trầm từ hợp tác đến cạnh tranh gay gắt. Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ từ mặt đất lên tận vũ trụ với những dự án không gian khổng lồ. Thế nhưng rầm rộ hơn cả có lẽ là đấu trường Châu Á - Thái Bình Dương.

Tờ báo đi vào tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trên biển phía nam và biển phía đông của nước này. Tờ báo nhắc lại việc Trung Quốc đã tái khẳng định chủ quyền của nước này trên quần đảo Trường Sa tức khu vực có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và Philippines, quần đảo Ðông Sa hiện do Ðài Loan chiếm giữ, tranh chấp đảo Senkaku với Nhật Bản.

Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra là liệu Trung Quốc có sẵn sàng gây chiến tranh hay không. Tờ báo cho rằng, dù một số tướng lãnh quân đội Trung Quốc cho rằng đã đến lúc sử dụng biện pháp quân sự, thế nhưng dường như giải pháp này không phải là cách chọn lựa của nhà cầm quyền Trung Quốc vì nếu khu vực này bất ổn thì Trung Quốc cũng chẳng có lợi ích gì. Nắm được tâm lý lo ngại của các nước bên bờ Biển Ðông đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ đã lập tức trở lại khu vực với những tuyên bố thẳng thừng về lợi ích không ngại làm mất lòng Bắc Kinh.

Cuối năm 2011, Tổng thống Barack Obama còn đề xuất xây dựng hiệp ước đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương mà không có sự tham gia của Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng đã làm lành lại với Miến Ðiện, tiếp tục làm thân với Ấn Ðộ, tiếp tục bán vũ khí cho Ðài Loan. Ðối với Việt Nam, Hoa Kỳ còn được sự thỏa thuận của nước này cho chiến hạm Mỹ cập cảng chiến lược Cam Ranh. Singapore thì không ngần ngại nhiều lần kêu gọi sự trở lại của Mỹ. Nhật Bản đã dịu giọng về việc hạn chế sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ mình. Tóm lại, theo tờ báo một bên là Trung Quốc đang vươn lên cạnh tranh uy thế siêu cường với Mỹ, một bên là Mỹ đã chọn đúng thời cơ tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}