NẠN LAO ÐỘNG VIỆT NAM BỎ TRỐN TẠI ÐÀI LOAN

@ 5 April 2012 11:51 PM


Tin Ðài Bắc - Hiện có trên 15,000 lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Ðài Loan. Cũng như tại Hàn Quốc, thực trạng này một lần nữa ảnh hưởng lớn đến chiến lược của Cộng sản Việt Nam để đưa lao động sang thị trường nước ngoài để lấy tiền ngoại tệ. Theo thống kê, hiện nay Việt Nam là nước có trên 93,000 lao động làm việc tại Ðài Loan, chỉ đứng sau Nam Dương. Trung bình mỗi năm có 39,000 lao động sang làm việc tại thị trường này, chiếm trên 30% tổng số lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Tuy nhiên vấn nạn lao động bỏ trốn đang là nỗi nhức nhối đối với ngành xuất cảng lao động của Cộng sản Việt Nam, đang đứng trước nguy cơ mất thị trường.

Báo chí trong nước cho biết tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2011, Việt Nam có trên 49,000 lao động bỏ trốn, trong đó có khoảng 30,000 lao động nữ, chiếm đến gần 41% số lao động bỏ trốn tại Ðài Loan. Trung bình mỗi tháng có khoảng 550 lao động bỏ trốn tại Ðài Loan. Hiện mới có gần 35,000 lao động bỏ trốn bị trục xuất về nước. Trong khi đó đây là thị trường trọng điểm mà Hà Nội trông chờ vào để thu ngoại tệ, cũng như để giải quyết nạn thất nghiệp trong nước.

Theo nguồn tin này, lợi tức của người lao động Việt Nam tại Ðài Loan đạt khoảng 650 đô-la một tháng. Cơ quan hữu trách lo ngại, trong thời điểm khủng hoảng kinh tế, dư thừa lao động chung ở nhiều quốc gia như hiện nay, vấn đề lao động bỏ trốn tăng cao là vết đen đối với ngành lao động Việt Nam, khi tham gia ứng cử cung ứng lao động. Nguy cơ mất thị trường hoặc bị thu hẹp giống như thị trường Nam Hàn trước đây sẽ là sự thật hiện hữu.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước của Hà Nội, nguyên nhân chính gây ra tệ nạn lao động bỏ trốn phần lớn bởi nguyên do chi phí mà người lao động phải trả cho cơ quan môi giới quá cao. Thực tế theo quy định, mức lệ phí đi làm công nhân nhà máy và xây dựng 3 năm tại Ðài Loan là 4500 đô-la mỗi hợp đồng; nghề giúp việc gia đình, chăm sóc sức khỏe là 3600 đô-la mỗi hợp đồng. Tuy nhiên theo số liệu điều tra thực tế của Ủy ban Lao động Ðài Loan, mức lệ phí để người lao động Việt Nam phải nộp cho cán bộ trung bình từ 5 đến 6000 đô-la, rất nhiều lao động để được đi phải nộp từ 6500 đến 7000 đô-la. Trong đó phần chênh lệch khoảng 1800 đến 2500 đô-la cao hơn quy định chính là phần tiền môi giới vào túi cán bộ tham nhũng. Ðể bù đắp khoản chi phí quá cao đã bỏ ra, lao động đã bỏ trốn để làm thêm.

Lại có thực tế, tại Viện Nam, do nhiều doanh nghiệp có giấy phép đưa lao động sang làm việc tại Ðài Loan đã không trực tiếp tìm kiếm, khai thác hợp đồng, tuyển chọn, đào tạo và làm thủ tục xuất cảnh cho người lao động mà bán hoặc cho thuê pháp nhân để thực hiện và thu một khoản phí từ 150 đến 200 đô-la. Hiện có khoảng 900 công ty Ðài Loan ký hợp đồng với 67 công ty Việt Nam. Các đơn vị này đã thành lập 104 chi nhánh và 136 cơ sở. Do vậy, phần lớn người lao động không hề biết doanh nghiệp nào của Việt Nam đưa đi. Hà Nội nhiều lần tìm cách chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp đầu mối trong việc tổ chức tuyển chọn và đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài như hiện nay, nhưng rồi đâu cũng vào đấy vì cán bộ chỉ biết thu tiền cho đầy túi tham, còn lao động sang đến ngoại quốc thì chết mặc bây, tiền thầy đã bỏ túi.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}