NGOẠI TRƯỞNG ẤN ÐỘ: 'BIỂN ÐÔNG LÀ TÀI SẢN CHUNG CỦA THẾ GIỚI'

@ 9 April 2012 10:46 PM
Tin New Delhi - Biển Ðông là theo cách gọi của Việt Nam, Biển Tây theo cách gọi của Philippines và là Nam Hải theo cách gọi của Trung Quốc. “Ấn Ðộ duy trì quan điểm rằng Biển Ðông là tài sản của thế giới nên con đường thương mại này không nước nào được phép cản trở. Nó phải được sử dụng để gia tăng mậu dịch giữa các nước đến gần với hải phận này.” Ông Krishna phát biểu với báo chí và được tờ Times of India kể lại. Theo ông, dữ kiện này đã được các nước thuộc hiệp hội ASEAN công nhận và cả Trung Quốc khi họ có các cuộc đối thoại.

Ông Krishna phản ứng một ngày sau khi Ngô Sĩ Tồn, một cố vấn về tranh chấp Biển Ðông của nhà cầm quyền Bắc Kinh, đe dọa rằng Ấn Ðộ sẽ phải trả giá rất đắt nếu tham gia dò tìm và khai thác dầu khí ở khu vực đang có tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc. Ngô Sĩ Tồn nói 40% các lô 127 và 128 “thuộc khu vực tranh chấp” dù nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Việt Nam, và Trung Quốc đều là thành viên. “Trung Quốc sẽ không đứng nhìn các sự hợp tác (dò tìm dầu khí) ở các hải phận mình xác nhận chủ quyền.” Ngô Sĩ Tồn nói ám chỉ đến hợp đồng giữa công ty dầu khí Ấn ONGC-Videsh hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Quốc doanh Petro Vietnam ký hồi năm ngoái.

Tuần trước, khi đến thủ đô Ấn Ðộ, Phó Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố khu vực sẽ giao cho Ấn dò tìm nằm trong phạm vi đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên thềm lục địa 200 hải lý. “Tôi có thể nói với quý vị rằng không có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ tại khu vực này.” Ông Nhân nói. Ngày 12 tháng 10, 2011, Petro Vietnam ký thỏa thuận để ONGC-Videsh thăm dò và khai thác dầu khí tại hai lô 127 và 128 phía đông Ninh Thuận. Cái quái ác là Trung Quốc vẽ đường “Lưỡi Bò” chiếm hơn 80% biển Ðông, lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực gồm cả Việt Nam, Philippines, Indonesia.

Ðường “Lưỡi Bò” chạy dọc qua cả hai lô 127 và 128 giao cho Ấn Ðộ cũng như vắt ngang các lô 5.2 và 5.3 mà Nga mới mua lại 49% cổ phần từ tập đoàn Petro Vietnam. Công ty dầu khí Anh quốc BP, dù đã tìm thấy hai mỏ khí đốt và khí hóa lỏng lớn (mỏ Hải Thạch và mỏ Mộc Tinh) đã bỏ chạy khỏi hai lô 5.2 và 5.3 (bồn trũng Nam Côn Sơn) từ năm 2009 khi bị Bắc Kinh đe dọa ảnh hưởng tới hoạt động của BP ở Trung Quốc. Việt Nam mới lôi kéo được tập đoàn khí đốt lớn nhất của Nga Gazprom thế chân BP và chưa thấy Bắc Kinh phản ứng.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}