PHÓNG SỰ TỪ VIỆT NAM: VIỆT NAM BỊ ÁP LỰC QUỐC TẾ VỀ HÀNG GIẢ CÁC NHÃN HIỆU CAO CẤP

@ 10 April 2012 12:31 AM
Hôm nay trong phần tin đặc biệt từ Việt Nam, thông tín viên SB-TN từ trong nước gởi ra bản tin về Việt Nam bị áp lực quốc tế về hàng giả các nhãn hiệu cao cấp, mời quý vị cùng theo dõi trong bản tin...  sau đây... (video insert)

Nhiều năm trước, Việt Nam cũng như Trung Cộng, là thiên đường của các nhãn hàng làm giả theo các thương hiệu cao cấp như Versace, Louis Vuiton, Hermes... nhưng giờ đây, áp lực của luật doanh thương quốc tế đã gắt gao, buộc Việt Nam phải xét lại và kiểm soát chặt chẽ các loại hàng giả hàng nhái này. Hàng giả, hàng nhái ngày càng phổ biến trên thế giới và tăng nhanh. Ông Laurent Manderieux, giáo sư chuyên về Luật Sở hữu trí tuệ, chuyên gia dự án MUTRAP, cho biết: Cuộc cách mạng kỹ thuật số phát triển đã vô tình tạo điều kiện cho đối tượng sản xuất hàng giả làm ra những sản phẩm giống hàng thật; sự phát triển của thương mại quốc tế làm tăng hoạt động xuất nhập cảng hàng giả trên toàn thế giới. Theo các hiệp hội doanh nghiệp, hoạt động làm giả, làm nhái chiếm đến 10% thương mại quốc tế. Một vài số liệu dự đoán còn cho thấy hoạt động này lên đến 1.000 tỉ USD, tăng 18 lần trong vòng 12 năm qua.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) năm 2007, giá trị hàng giả bị bắt giữ tại quan thuế là 200 tỉ USD, lớn hơn GDP của 150 nước. Riêng tại Việt Nam, hàng gian, hàng giả, hàng nhái đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Theo ông Hoàng Công Sơn, Ðội Quản lý thị trường 3A - Sài Gòn, hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém phẩm chất ngày càng phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực.

Tại Sài Gòn, địa bàn kinh doanh loại hàng nầy tập trung ở quận 1, 5, 6, Tân Bình và ở các chợ Bến Thành, An Ðông, Kim Biên, Bình Tây, Tân Bình. Trong số các mặt hàng giả bị cơ quan hữu trách phát giác là hàng may mặc, tiêu dùng bằng da hoặc giả da, băng đĩa sao chép lậu, mực in máy tính, đồng hồ, mắt kính, phụ tùng xe máy, mỹ phẩm, phân bón… Tuy nhiên, hàng giả ở Việt Nam chủ yếu nhập từ Trung Cộng, và thường làm thoả mãn cho nhiều người thích khoe của hàng hiệu với giá rẻ.

Tệ hơn, hàng giả của Trung Cộng cũng không chừa cả hàng thương mại phổ thông của Việt Nam. Chính các nhân viên quản lý thị trường cũng thú nhận rằng hàng giả chính yếu được sản xuất tại Trung Quốc, giả các nhãn hiệu nổi tiếng như đồng hồ Thụy Sĩ; túi xách giả nhãn hiệu Louis Vuitton, Gucci, Chanel; mắt kính giả nhãn hiệu Rayban… Hàng trong nước thì có gas giả, xà bông giả nhãn hiệu Omo, đường Biên Hòa giả…

Nhưng chận đường nhập cảng lậu vào Việt Nam, là điều rất khó khăn bởi hàng Trung Quốc luôn được ưu tiên đi vào, bởi lệnh từ các cấp cao lãnh đạo trong nước. Khó mà tin được việc mua một chai dầu thơm Hermes ở Việt Nam, y như hàng gốc, chỉ có 20 đến 40 Mỹ kim, trong khi chai thật, phải đến 100 Mỹ kim. Hoặc một túi xách Louis Vuiton giá chỉ có 200 Mỹ Kim so với túi thật là 1500 Mỹ kim. Xót của, các nhà sản xuất ép Hà Nội phải mạnh tay, nhưng ít ai tin rằng thiên đường hàng nhái này ở Việt Nam sẽ sớm chấm dứt.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}