NHIỀU CỬA HÀNG ÐIỆN TỬ ÐÓNG CỬA, ÐẦY KHO, CẠN TIỀN

@ 15 April 2012 03:42 PM
{nl}Tin Hà Nội - Kinh tế Việt Nam đang tới những ngã rẽ bi thảm, theo các chuyên gia lên tiếng trên nhiều báo Việt Nam. Báo chí phỏng vấn ông Giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt Pomina nhận xét năm nay có lẽ là năm bi kịch nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nặng, khi mọi thứ dường như đã nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp, đặc biệt là lãnh vực tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Trong khi đó, thông tấn VEF có bản tin về các cửa hàng bán vật dụng điện tử liên tiếp đóng cửa, ghi nhận tình hình ảm đảm của ngành này. Bản tin nói theo tin từ các doanh nghiệp kinh doanh máy móc điện tử cho biết siêu thị Best Carings tại Phú Mỹ Hưng, Quận 7, Sài Gòn vừa phải đóng cửa do khách hàng quá vắng. Và trường hợp Best Carings chỉ là một ví dụ nhỏ trong vô số các cửa tiệm đã đóng cửa từ đầu năm đến nay. Bản tin cho biết chuỗi cửa hàng Thế Giới Số 24 giờ tại Sài Gòn cũng đã đóng cửa. Chuỗi cửa hàng này mới mở cửa cách đây không lâu bỗng dưng lại đóng cửa làm nhiều người không khỏi bất ngờ. Tình hình ở nhiều thành phố khác cũng thê thảm.

Một doanh nghiệp kinh doanh máy móc điện tử cho biết hiện nay có không ít các cửa tiệm tại Cần Thơ, Sài Gòn, Hà Nội lâm vào cảnh tài chính rất khó khăn, không có tiền trả tiền thuê cửa tiệm, nợ lương, nợ bảo hiểm nhân viên, giảm bớt nhân viên. Kho đầy hàng mà quỹ thì rỗng là tình trạng mà doanh nghiệp Việt Nam đang lâm phải. Theo các chuyên gia, nếu bị kéo dài thêm sẽ dẫn tới sự phá sản hàng loạt.

Thứ trưởng Bộ Công thương Cộng sản Việt Nam công bố một con số hết sức đáng ngại, chỉ số sản xuất công nghiệp đến thời điểm hiện tại chỉ tăng 4.1%, trong khi tồn kho có ngành tăng đến gần 63%.

Nhiều doanh nghiệp co cụm, phá sản không chỉ do lãi suất quá cao mà còn do sức mua của thị trường quá thấp. Hàng làm ra không bán được khiến doanh nghiệp gục ngã trên đống tài sản. Tình trạng này xảy ra ở nhiều lãnh vực và ảnh hưởng lẫn nhau từ nhà sản xuất đến phân phối, bán lẻ. Hiện doanh nghiệp thép chỉ chạy 50 đến 60% công suất thiết kế. Có ít nhất sáu doanh nghiệp đã ngừng sản xuất do hàng bán không được.(SBTN)