NGÀNH GỖ XUẤT CẢNG BI ÐÁT: BÌNH ÐỊNH 50% SẮP PHÁ SẢN

@ 28 April 2012 06:05 AM
Tin Bình Ðịnh - Ngành chế biến gỗ xuất cảng ở Bình Ðịnh cơ nguy bị khai tử. Một lý do là vì lãi suất ngân hàng quá cao, làm bao nhiêu là nộp cho ngân hàng cả. Năm 2011 tình hình mô tả là hơn 50% doanh nghiệp chế biến gỗ ở Bình Ðịnh thua lỗ cơ nguy phá sản, trong khi chỉ 15% doanh nghiệp có lời. Do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ xuất cảng ở Bình Ðịnh đang đối mặt với nguy cơ khai tử. Tỉnh Bình Ðịnh hiện có gần 160 doanh nghiệp, trên 25,000 lao động hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ xuất cảng, là một trong 4 trung tâm đồ gỗ lớn nhất nước cùng với Bình Dương, Ðồng Nai và Sài Gòn. Vấn đề là khó khăn ngày càng nhiều. Thống kê cho thấy trong giai đoạn từ 2006 đến năm 2010, kim ngạch xuất cảng gỗ của Bình Ðịnh đạt trên 1.085 triệu đô-la, chiếm tỷ trọng gần 61% tổng kim ngạch xuất cảng toàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng 16% một năm. Tuy nhiên trong vòng 3 năm trở lại đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất cảng ngày càng kém hiệu quả.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Ðịnh, cho biết các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất cảng phải đối mặt với lạm phát tăng cao khiến chi phí đầu vào tăng đột biến nhưng giá đầu ra không tăng. Năm 2011, số doanh nghiệp gỗ hoạt động có lãi khoảng 15%, hơn 50% bị lỗ và đang đứng trên bờ vực phá sảnọ. Theo khảo sát Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Ðịnh, đến tháng 4 năm nay chi phí xuất cảng hàng hóa trung bình 1 container 40 feet tăng 55% chưa kể tăng lương so với cuối năm 2011. Trong đó, nguyên liệu tăng gần 10%, phí vận chuyển trong nước tăng 33%, vận chuyển quốc tế tăng 68%. Lãi suất ngân hàng quá cao, ít nhất là 19% một năm, trong khi lợi nhuận của ngành gỗ thấp nên nhiều doanh nghiệp không dám vay vốn để sản xuất kinh doanh vì không bảo đảm trả lãi vay ngân hàng. Ðến cuối năm 2011, tổng số nợ xấu, mất khả năng thanh toán của các doanh nghiệp ở Bình Ðịnh lên tới 350 tỉ đồng. Con số nợ xấu này tương đương 17 triệu đôla Mỹ. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất cảng sẽ tiếp tục gặp khó khăn do lương cơ bản tăng, nhà nước sẽ áp dụng thuế và hạn ngạch xuất cảng dăm gỗ, hạn chế không cho doanh nghiệp vay ngoại tệ để nhập cảng nguyên liệu gỗ, chi phí vận chuyển tăng, tình hình rất bi đát.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}