SẼ CÒN NHIỀU VỤ VĂN GIANG KHÁC Ở VIỆT NAM

@ 30 April 2012 07:58 PM
{nl}

HÀ NỘI.-Những cảnh đàn áp nông dân trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang, Hưng Yên ngày 24 thàng 4 vừa qua tiếp tục khấy động dư luận trong và ngoài nước. Một số nhà báo và nhà trí thức đã lên tiếng phản đối vụ cưỡng chế Văn Giang, trong số này có giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam. So với vụ Tiên Lãng, vụ cưỡng chế ở xã Văn Quang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên vừa qua gây chấn động mạnh trước hết là do tầm mức của sự kiện. Mặc dù theo nguồn tin chính thức, việc cưỡng chế chỉ tiến hành đối với gần 6 mẫu tây thuộc 166 hộ không chịu nhận tiền đền bù, nhưng có đến cả ngàn nông dân Văn Giang từ đêm hôm trước đã bám trụ tại những mảnh đất của họ để chống lại việc cưỡng chế. Phía chính quyền vì thế đã phải huy động hàng ngàn người gồm công an, cảnh sát cơ động, dân phòng và, theo tố cáo của dân, thì có cả thành phần xã hội đen, để thi hành lệnh cưỡng chế, biến việc này thành giống như là một trận càn quét trong chiến tranh, với hơi cay mờ mịt đồng, khói mù tỏa khắp nơi, tiếng súng vang rền trời.

Vẫn theo nguồn tin thì điểm thứ hai gây công phẫn dư luận, đó là mức độ đàn áp của lực lượng cưỡng chế, qua những hình ảnh được phổ biến rộng rãi trên mạng, nhất là cảnh cả chục người cầm dùi cui thi nhau đánh đập dã man một nông dân tay không, theo kiểu đánh đòn thù, chứ không phải là khống chế một thành phần quá khích. Ðiểm đáng nói khác đó là rút kinh nghiệm từ vụ Tiên Lãng, chính quyền kiểm soát rất gắt gao những thông tin về vụ cưỡng chế ở Văn Giang.

Một số bài báo đưa tin tương đối khách quan đã bị gỡ bỏ chỉ sau vài giờ đăng trên mạng. Những bài báo khác thì đăng thông tin một chiều của chính quyền tỉnh Hưng Yên. Chỉ duy nhất có tờ báo Người Cao Tuổi, cơ quan ngôn luận của Hội Người cao tuổi Việt Nam, là dám lên tiếng tố cáo vụ cưỡng chế mà họ cho là trái luật ở Văn Giang. Nhưng nay bài của Người Cao Tuổi về vụ Văn Giang đều đã bị gỡ bỏ. Nhiều phóng viên cho biết họ đã bị cản trở khi đến săn tin ở Văn Giang trong ngày cưỡng chế.

*Những nhà báo, những trí thức nào muốn bày tỏ thái độ về vụ Văn Giang chỉ có thể đăng tải trên các trang mạng. Trong bài viết tựa đề Phải thay đổi tư duy thu hồi đất, được đăng trên trang Ba Sàm ngày 27 tháng 4, nhà báo Võ Văn Tạo nhắc lại rằng, điều 39 của Luật Ðất đai 2003 quy định chỉ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, trong khi dự án Ecopark chỉ là dự án kinh doanh, chính quyền không được phép thực hiện thủ tục thu hồi đất.

Về phần nhà báo Huy Ðức thì tự đặt mình vào vị trí của nông dân Văn Giang trong bài viết đề ngày 26 tháng 4 đăng trên trang blog của anh. Theo Huy Ðức, các điều khoản về thu hồi đất, từng được quy định khá chặt chẽ trong Luật 1993, đã trở nên rắc rối và dễ bị lũng đoạn hơn trong Luật 2003. Anh cho rằng Luật gần như đã đặt những mục tiêu cao cả như lợi ích quốc gia ngang hàng với lợi ích của các đại gia”.

Trong bài viết gởi trực tiếp cho trang mạng Bauxite Việt Nam với hàng tựa Nhà nước của dân, do dân, vì dân không được phép trấn áp dân đề ngày 26 tháng 4, ông Nguyễn Trung cựu Ðại sứ Việt Nam tại Thái Lan, cựu thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, cựu thành viên Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã bày tỏ sự căm giận và nỗi hãi hùng của ông. Ông Trung nói ông căm giận vì không thể chấp nhận Nhà nước của dân, do dân, vì dân lại hành xử với dân như vậy. Ông hãi hùng vì thấy rằng hệ thống chính trị Việt Nam đã có được trong tay lực lượng vũ trang sẵn sàng thực hiện lệnh trấn áp như vậy đối với dân. Cựu đại sứ Nguyễn Trung cảnh báo rằng đây là một chiều hướng phát triển vô cùng nguy hiểm cho đất nước, nhất thiết phải tìm cách ngăn chặn. Ông yêu cầu Ðảng, Quốc hội, Chính phủ về họp công khai với toàn thể các hộ dân các xã ở Văn Giang có đất đai bị thu hồi trong vụ cưỡng chế này để tìm hiểu tại chỗ sự việc.(SBTN)