LÀO VẪN TIẾP TỤC XÂY ÐẬP XAYABURI, CAM BỐT VÀ VIỆT NAM PHẢN ÐỐI

@ 23 June 2012 07:59 AM


Tin tổng hợp - Hiện nay đang có kế hoạch xây 11 đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong, trong đó có đập thủy điện Xayaburi ở vùng thượng Lào. Ðề án này đã được đem ra thảo luận giữa các quốc gia thành viên của Ủy hội Sông Mekong từ tháng 9 năm 2010. Ðến tháng 12 năm ngoái, Hội đồng Bộ trưởng của bốn quốc gia thành viên thuộc Ủy hội Sông Mekong đã đồng ý đình hoãn kế họach xây đập thủy điện này, để nghiên cứu bổ túc, nhằm tìm hiểu thêm về những tác động tiêu cực mà chuỗi các đập thủy điện xây trên dòng chính hạ lưu Mekong có thể gây ra trên môi trường và những ảnh hưởng trên sản xuất nông ngư nghiệp và cuộc sống của người dân trong lưu vực. Tuy nhiên trong vài tháng gần đây có những chuyển biến bất thường từ phía Thái Lan, cho thấy là họ vẫn thúc đẩy Lào thực hiện dự án thủy điện Xayaburi.

Cơ quan Ðiện lực Thái Lan EGAT xác nhận trước Ủy ban Quản tri của Quốc hội Thái Lan là EGAT đã ký hợp đồng với Công ty đầu tư đập Xayaburi, và 5 ngân hàng Thái Lan xác nhận đã hỗ trợ vốn cho các nhà đầu tư công trình Xayaburi sau khi được chánh phủ Thái Lan cho phép. Tiếp theo đó, công ty Ch. Karnchang chánh thức thông báo cho Thị trường Chứng khoán Thái Lan là công ty này đã ký hợp đồng xây dựng, trang bị máy móc và kỹ thuật với Công ty Ðiện lực của Xayaburi để xây đập Xayaburi ở Lào. Báo cáo này còn cho biết thêm là đề án Xayaburi đã thật sự được khởi công vào ngày 15 tháng 3 và sẽ hoàn tất trong vòng 96 tháng, với kinh phí tổng cộng khoảng 2.4 tỉ Mỹ kim. Những thông báo trên đã khiến cộng đồng hạ lưu sông Mekong và các tổ chức quốc tế sững sốt, đồng thời gây phẫn nộ và phản đối từ Cam Bốt và Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ và đặc biệt là một số nhà khoa học Việt Nam thuộc Nhóm Ðặc nhiệm về sông Mekong, và các nhóm bảo vệ môi trường khác.

Cam Bốt đòi đưa Lào ra trước tòa án quốc tế nếu Lào tự ý tiến hành xây đập, đồng thời gởi văn thư đến chánh phủ Lào yêu cầu làm sáng tỏ vấn đề. Ðiều đáng nói là vì tất cả các đập trên sông Mekong đều được xây theo chương trình đầu tư của Trung cộng, nên Trung Cộng sẽ thật sự làm chủ 5 đập trong 30 năm, nhờ đó sẽ kiểm soát giao thông trên sông Mekong từ Vân Nam đến tận biên giới Cao Miên và Việt Nam, nơi sông Mekong chảy vào đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, và từ đó Trung cộng có thể làm suy giảm được tiềm năng sản xuất lúa gạo của Việt Nam trong những ngày tới.(SBTN)