MỸ HUẤN LUYỆN CHUYÊN VIÊN VIỆT NAM NGHIÊN CỨU BIỂN

@ 26 June 2012 06:36 PM
Tin Ðà Nẵng - Tàu nghiên cứu khoa học của Hải quân Hoa Kỳ đến Ðà Nẵng một tuần lễ để giới thiệu huấn luyện cho các giới chức khoa học Việt Nam về trang bị và phương pháp nghiên cứu hiện đại của ngành hải dương học. Ðây là lần đầu tiên tàu khảo cứu USNS Roger Revelle đến Việt Nam không chỉ là một cuộc thăm viếng kéo dài một tuần lễ bắt đầu từ ngày 22 tháng 6, mà để huấn luyện cho các nhà khoa học tại Việt Nam. Hà Nội nói đây là chuyến thăm được thực hiện theo Chương trình nghiên cứu hợp tác chung về hải dương học biển Ðông Việt Nam và tương tác biển và lục địaõ giữa Bộ Khoa Học-Công Nghệ Việt Nam và Văn Phòng Nghiên Cứu Hải Quân Hoa Kỳ. Tuy là tàu của Hải quân Mỹ nhưng lại do viện đại học UC San Diego quản trị.

Trong một tuần, 6 giáo sư hàng đầu về lĩnh vực hải dương học trên tàu Roger Revelle sẽ đón các nhà khoa học Việt Nam lên tìm hiểu các máy móc và cách bố trí để nghiên cứu. Ðồng thời tiến hành hai nhóm tập huấn cách sử dụng các máy móc này và thực hiện các cuộc nghiên cứu cho 44 nhà khoa học, quản lý trong lĩnh vực hải dương học của Việt Nam nhằm phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu biển. Dịp này ôtàu Roger Revelle cũng sẽ đón đoàn khách do phía Hoa Kỳ mời gồm đại diện lãnh đạo các bộ khoa học công nghệ, công an, tài nguyên-môi trường, các chuyên gia nghiên cứu biển Ðông của Tổng Cục Biển và Hải Ðảo, Viện Hải Dương Học, các viện nghiên cứu, trường đại học có liên quan của Việt Nam lên tham quan tàu. Tuy là một quốc gia có bờ biển dài hơn 3200 cây số, Việt Nam chỉ có một cơ quan nghiên cứu hải dương học duy nhất là Viện Hải Dương Học ở Nha Trang vốn là Hải Học Viện ngày trước được phát triển thêm. Ðây chỉ là một nơi trưng bày các mẫu sinh vật biển vừa triển lãm kiếm tiền vừa nghiên cứu nhưng không có tàu nghiên cứu trang bị tối tân.

Cách đây hai năm, một tàu khảo cứu đại dương khác của Mỹ là USNS Bruce Heezen cũng đã đến Ðà Nẵng. Tàu này tới khảo sát các hải phận Khánh Hòa, Phú Yên và Quảng Nam trong một thỏa thuận tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Các tàu nghiên cứu hải dương của Mỹ có trang bị máy thăm dò đáy biển ở độ sâu tới 12 cây số nên có thể tìm được các máy bay bị rơi nằm sâu dưới biển.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}