VIỆT NAM YÊU CẦU TRUNG CỘNG HỦY KẾ HOẠCH LẬP THÀNH PHỐ TAM SA

@ 26 June 2012 06:57 PM
TIN ÐÀ NẴNG - Lãnh đạo thành phố Ðà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam lên tiếng phản đối quyết định của Trung Cộng trong việc thành lập thành phố Tam Sa để quản lý hành chính hai huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Hãng thông tấn Bernama của Malaysia ngày 25/6 trích thuật phát biểu của Văn Hữu Chiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Ðà Nẵng, và Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đồng khẳng định rằng huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Ðà Nẵng và huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

Trong lời phát biểu tương tự nhau được đưa ra cùng ngày, lãnh đạo hai địa phương này nói rằng kế hoạch của Trung Hoa ‘không có giá trị pháp lý’ và vi phạm trầm trọng chủ quyền của Việt Nam. Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và thành phố Ðà Nẵng kêu gọi Bắc Kinh hủy bỏ quyết định ‘phi pháp’ và ‘sai trái’, đồng thời đề nghị Bắc Kinh không gây thêm hành động làm phương hại quan hệ và tình hữu nghị giữa hai nước Việt-Trung.

Trong khi đó, cùng ngày 25/6, báo chí Trung Cộng đăng tải các bài viết tán dương việc Bắc Kinh cho thành lập thành phố Tam Sa để quản lý hành chính 3 quần đảo ở Biển Ðông là Trung Sa, và Tây Sa, Nam Sa (tức Hoàng Sa, Trường Sa theo cách gọi Việt Nam). Tờ Hoàn Cầu thời báo nói ý tưởng thành lập thành phố Tam Sa đã có từ năm 2007 nhưng bị gác qua một bên do Việt Nam phản đối, và nay, Trung Cộng có hành động cụ thể chứng tỏ quyết tâm của mình. Vẫn theo bài báo, quyết định này của Bắc Kinh có trọng lượng hơn nhiều so với Luật Biển Việt Nam mới ban hành hôm 21/6. Báo nói rằng Việt Nam và Philippines phản ứng thế nào không phải là mối quan tâm hàng đầu của Trung Cộng.

Báo này cũng đề nghị Bắc Kinh nên có nhiều kế hoạch hơn nữa để tăng cường quản lý Biển Ðông sau khi thành lập thành phố Tam Sa. Trung Cộng loan báo nâng cấp quy chế hành chính 3 quần đảo Trung Sa, Tây Sa, và Nam Sa từ cấp quận lên cấp huyện để cải thiện công tác quản lý hành chính của Trung Cộng ngay trong ngày 21/6 khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển, trong đó có nêu rõ Hoàng Sa-Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Cả hai bên đều yêu cầu đối phương chấm dứt hành động ‘phi pháp’ và không làm phức tạp thêm căng thẳng trong vụ tranh chấp ở Biển Ðông.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}