CÁCH THỨC CAM BỐT THAO TÚNG HỘI NGHỊ ASEAN BỊ TIẾT LỘ

@ 19 July 2012 06:21 AM
Tin tổng hợp - Gần một tuần lễ sau khi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh không ra được bản Thông cáo chung, hãng tin Anh Reuters hôm nay đã thu thập lời chứng của nhiều nhà ngoại giao hiện diện tại các cuộc họp, để mô tả các cuộc tranh cãi chung quanh vấn đề Biển Ðông. Nhiều người không che giấu thái độ bất bình với cách hành xử của nước chủ nhà Cam Bốt, chủ tịch luân phiên của ASEAN, bị tình nghi là đã dùng mọi cách để áp đặt quan điểm của đồng minh Trung Cộng.

Sự kiện đầu tiên được Reuters ghi nhận liên quan đến Ngoại trưởng Phi Luật Tân Albert del Rosario. Tuần trước khi ông bắt đầu nói đến vấn đề nhạy cảm là hồ sơ Biển Ðông trong một cuộc họp, bất chấp sự phản đối của Cam Bốt, đột nhiên micro của ông bị tắt. Phía chủ nhà Cam Bốt khẳng định đó chỉ là một tai nạn kỹ thuật, tuy nhiên một số nhà ngoại giao đã ám chỉ rằng sự kiện đó phản ảnh một thực tế thâm hiểm hơn, nằm trong một loạt các nỗ lực của Cam Bốt nhằm loại bỏ đề tài Biển Ðông ra khỏi chương trình nghị sự. Sự kiện đó cũng như nhiều sự kiện khác, được các nhà ngoại giao trực tiếp tham gia các cuộc họp đã nêu bật tình trạng phân cực sâu đậm trong nội bộ khối Ðông Nam Á dưới tác động của ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Cộng trong khu vực.

Theo các nhà ngoại giao, Cam Bốt luôn luôn tìm cách đánh bật mọi nỗ lực đề cập đến vấn đề tranh chấp trên biển, cả trong các cuộc họp của ASEAN lẫn tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN với sự tham gia của Nhật Bản, Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Một ví dụ cụ thể được nhiều nhà ngoại giao Ðông Nam Á xác nhận là Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã bị Ngoại trưởng Cam Bốt Hor Nam Hong ngắt lời khi ông tìm cách đề cập đến vấn đề Biển Ðông. Ngoài việc ngăn chặn không cho ai đề cập đến Biển Ðông, Cam Bốt còn bị cho là đã lạm dụng quyền chủ tịch để bác bỏ việc công bố bản Thông cáo chung có nhắc đến tranh chấp Biển Ðông.

Nam Dương đã phải thảo ra đến 18 bản khác nhau để điều hòa quan điểm giữa Cam Bốt, và hai nước tranh chấp chủ quyền với Trung Cộng là Phi Luật Tân và Việt Nam. Thế nhưng các cố gắng đó rốt cuộc đã trở thành vô ích do thái độ khăng khăng của Cam Bốt, nhất quyết không chấp nhận bất kỳ ghi chú nào liên quan đến bãi cạn Scarborough là nơi diễn ra cuộc đối đầu giữa Trung Cộng và Phi Luật Tân, ngay cả khi Manila đã nhượng bộ và chấp thuận đề nghị của Nam Dương chọn từ ngữ chung chung là bãi cạn bị ảnh hưởng. Ðối với nhiều người, Cam Bốt là nước phải chịu trách nhiệm về việc Hội nghi ASEAN không có được thông cáo chung.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}