ẤN ÐỘ VÀ INDONESIA ỦNG HỘ TỰ DO HÀNG HẢI BIỂN ÐÔNG

@ 30 July 2012 07:38 AM
TỔNG HỢP.- Sau chuyến đi con thoi và khẩn cấp của Ngoại Trưởng Indonesia, ông Marty Netalegawa, Ấn Ðộ và Indonesia một lần nữa lên tiếng kêu gọi duy trì hòa bình và tôn trọng quyền tự do hàng hải trong khu vực. Lời kêu gọi này được hai Ngoại trưởng Ấn Ðộ và Indonesia đưa ra sau cuộc hội đàm nhân chuyến công du Ấn Ðộ hai ngày của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, trong đó tình hình căng thẳng ở Biển Ðông đã được hai bên thảo luận. Theo hãng tin của Ấn Ðộ IANS, Ngoại trưởng Ấn Ðộ S.M Krishna đã nhấn mạnh trong một cuộc họp báo về sự cần thiết phải bảo đảm quyền tự do hàng hải trên các hải phận quốc tế. Ông đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan đến cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Ðông giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Ngoại trưởng Ấn Ðộ xác định rằng New Delhi đã theo dõi những diễn biến ở Biển Ðông. Ấn Ðộ ủng hộ quyền tự do đi lại và khai thác các nguồn tài nguyên theo những nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Mong muốn tha thiết nhất của Ấn Ðộ là những nguyên tắc này phải được mọi bên tôn trọng..

Về phần mình, cũng theo hãng tin IANS, Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa đã gián tiếp gợi đến các hành động của Trung Cộng khi ông cho rằng dù có những nước đang vươn lên trong khu vực, nhưng sự tăng trưởng đó phải có lợi cho hòa bình và an ninh của khu vực. Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Indonesia nói thêm rằng ASEAN vẫn đang nỗ lực hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Ðông, sau rắc rối nảy sinh tại Hội nghị ASEAN mới đây tại Phnom Penh. Thái độ lo ngại của Indonesia về căng thẳng tại Biển Ðông đã được Ngoại trưởng Natalegawa nói rõ hơn sau đó, nhân cuộc tiếp xúc với các nhà ngoại giao và cựu đại sứ trong khuôn khổ một cuộc nói chuyện do Hội đồng Ấn Ðộ về các Vấn đề Thế giới gọi tắt là ICWA tổ chức. Theo ông, vấn đề đã Biển Ðông đã trở thành gay gắt hơn, và nguy cơ xung đột bùng nổ hiện đang cao hơn bao giờ hết. Ngoại trưởng Indonesia lưu ý các nước là nên tránh chiều theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, thường là một trong những nhân tố có ảnh hưởng lớn trên chính sách đối ngoại của đa số các quốc gia dính líu đến hồ sơ Biển Ðông.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}