HỘI THẢO VỀ BIỂN ÐÔNG TẠI BANGKOK

@ 27 August 2012 07:24 AM
Tin Bangkok - Với chủ đề Tình Hình Biển Nam Trung Hoa: Tiến Ðến Ðồng Thuận Mà Không Cần Dùng Ðến Bạo Lực, một buổi hội thảo đã được tổ chức tại câu lạc bộ phóng viên ngoại quốc ở thủ đô Bangkok của Thái Lan tối hôm qua. Buổi hội thảo về biển Ðông có ba vị khách mời gồm tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, phó giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Ðông Nam Á thuộc Học Viện Quan Hệ Quốc Tế Việt Nam, Ông Henry Bersuto chủ tịch Ủy Ban Chuyên Trách Biển Và Hàng Hải trực thuộc Bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân, và ký giả tự do Kavi Chongkittavorn, cũng là bình luận gia kiêm thành viên cao cấp của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Và Quốc Tế đại học Chulalongkorn, Thái Lan.

Theo thông cáo báo chí của FCCT tức Câu Lạc Bộ Phòng Viên Nước Ngoài của Thái Lan, tình hình hải phận đông mà Trung Cộng giành gần hết chủ quyền, chừng như ngày càng gay cấn hơn trong lúc chưa có giải pháp nào khả dĩ để giải quyết ổn thỏa. Chính vì thế trong mục đích tìm hiểu và hợp tác để mang lại hòa bình cũng như ổn định trong khu vực, buổi hội thảo mong đợi các nước, nhất là Phi Luật Tân và Việt Nam, trình bày rõ quan điểm về chủ quyền của mình trên khu vực tranh chấp. Về phần mình, đại diện của Việt Nam tuyên bố những gì Việt Nam mong muốn hướng tới là áp dụng luật quốc tế để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. Diễn giả Henry Bersuto nhấn mạnh rằng Trung Cộng không phải là kẻ thù của Phi Luật Tân, Manila luôn muốn hợp tác với Bắc Kinh để phát triển hòa bình ổn định về lâu về dài. Theo ông, bộ qui tắc ứng xử là chìa khóa để giải quyết vấn đề và duy trì ổn định trên biển cũng như trong khu vực.

Ký giả Kavi Chongkittavorn của Thái Lan cho rằng hiện trạng phân hóa đang xảy ra trong nội bộ ASEAN sau khi đã không đưa ra được bản thông cáo chung qua hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 45 ở Phnom Penh, vì thế: ASEAN cần một nhóm làm việc chung, phản ảnh sự đoàn kết và tiếng nói đồng nhất của mười quốc gia thành viên. Nếu chỉ để Phi Luật Tân và Việt Nam đơn phương lên tiếng mà không có một nhóm làm việc chung và một tiếng nói chung của mười quốc gia ASEAN thì không chỉ tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa mà tất cả những việc liên quan của tổ chức trong tương lai cũng sẽ bị khập khiễng.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}